Ngày 30/9/2022, Hải đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 2 tàu QN-7395 và HP4658 có hành vi sang mạn xăng dầu trái phép tại khu vực biển, cảng biển Hải Phòng, thu giữ 200.000 lít dầu D.O. Ảnh: T.Bình
Ngày 30/9/2022, Hải đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 2 tàu QN-7395 và HP4658 có hành vi sang mạn xăng dầu trái phép tại khu vực biển, cảng biển Hải Phòng, thu giữ 200.000 lít dầu D.O. Ảnh: T.Bình

Làm tốt công tác tham mưu

Dấu ấn đầu tiên đó là tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả công tác kiểm soát hải quan.

Ngày 20/10/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 139/HĐBT quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Tổng cục Hải quan, trong đó bộ máy giúp việc của Tổng cục Hải quan có Cục Kiểm soát tố tụng, tiền thân của Cục Điều tra chống buôn lậu ngày nay.

Ngày 7/3/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 16-CP về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan và đổi tên Cục Kiểm soát tố tụng thành Cục Điều tra chống buôn lậu.

40 năm qua, nhiều tập thể cá nhân của đơn vị được tặng nhiều phần thưởng cao quý gồm: 48 Huân chương Lao động hạng Nhì, 48 Huân chương Lao động hạng Ba; 20 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 24 Huân chương Chiến công hạng Nhì và 56 Huân chương Chiến công hạng Ba; 236 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

(Nguồn: Cục Điều tra chống buôn lậu)

Tiêu biểu là tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 853 TW) và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 853 (theo Chỉ thị số 853/CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ) về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới.

Tiếp đó, năm 2014, Cục Điều tra chống buôn lậu một lần nữa ghi dấu ấn trong việc chủ động, tích cực tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ thành lập và triển khai nhanh chóng, chất lượng mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Qua đó đã làm thay đổi căn bản công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại trên phạm vi toàn quốc; tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong hoạt động phối hợp chia sẻ thông tin, hiệp đồng đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc buôn lậu giữa các lực lượng chức năng.

Ngoài ra, hàng năm, Cục đã tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề đấu tranh có quy mô lớn, đánh sập, triệt tiêu tận gốc, bóc gỡ nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu.

Nâng cao vị thế Hải quan Việt Nam

Một dấu ấn quan trọng khác là thực hiện hiệu quả công tác phối hợp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống buôn lậu.

Cục Điều tra chống buôn lậu đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng, đưa quan hệ phối hợp ngày càng đi vào thực chất.

Đặc biệt, công tác hợp tác quốc tế về chống buôn lậu đảm bảo hỗ trợ đắc lực, kịp thời công tác nghiệp vụ, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Hải quan Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Điển hình là Chiến dịch Con rồng Mê Kông về đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma tuý, động, thực vật hoang dã và tội phạm xuyên quốc gia. Đây là sáng kiến đầu tiên của Cục Điều tra chống buôn lậu (Hải quan Việt Nam) và sự tham gia của Hải quan Trung Quốc với vai trò đồng sáng kiến.

Chiến dịch Con rồng Mê Kông được khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Văn phòng tình báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, các cơ quan Hải quan và cơ quan thực thi pháp luật khác trong khu vực. Đến nay, Chiến dịch đã triển khai được 6 giai đoạn với kết quả phát hiện, bắt giữ hàng trăm tấn động, thực vật hoang dã và ma túy các loại.

Chiến dịch đã trở thành hình mẫu trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, được lãnh đạo các nước thành viên ghi nhận, đánh giá cao. Chiến dịch đã hai lần được đưa vào Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc.

Đấu tranh hiệu quả

Dấu ấn hết sức quan trọng của Cục Điều tra chống buôn lậu đó là giữ vai trò chủ công trong đấu tranh trực tiếp, xử lý vi phạm.

Các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động của Cục Điều tra chống buôn lậu luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, ngày đêm bám sát địa bàn góp phần tích cực tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, mang tính đột phá trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng kiểm soát hải quan, đấu tranh triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp.

Từ năm 2014 đến tháng 9/2024, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ 2.493 vụ, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 14.425 tỷ đồng, thu nộp ngân sách hơn 1.588 tỷ đồng.

Đặc biệt, đơn vị đã khởi tố 153 vụ, xác lập 170 chuyên án và triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn được dư luận, cộng đồng đánh giá cao.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới, Cục Điều tra chống buôn lậu quyết tâm phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt là những kinh nghiệm, bài học trong quá trình phát triển để tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phấn đấu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực chống buôn lậu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và khẳng định vai trò trụ cột của công tác kiểm soát hải quan; tiếp tục góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu “cải cách, phát triển, hiện đại hóa”, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Hải quan.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh: Đấu tranh trọng tâm, trọng điểm

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Hùng Anh

Để khẳng định vai trò chủ công, đơn vị đi đầu trong công tác kiểm soát hải quan, thời gian tới, Cục Điều tra chống buôn lậu quyết tâm phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt là những kinh nghiệm, bài học trong quá trình phát triển để tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: hoàn thiện hệ thống khung pháp lý tạo cơ sở cho công tác nghiệp vụ; thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Chủ động dự báo tình hình, cảnh báo kịp thời những xu hướng buôn lậu và gian lận thương mại của các đối tượng để đấu tranh trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, chuyên đề.

Từ đó lựa chọn những vụ việc điển hình, phức tạp để làm án điểm cho toàn Ngành với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Công tác đấu tranh sẽ tập trung vào các loại tội phạm trong tình hình mới, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, lợi dụng thương mại điện tử, vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lĩnh vực thông tin, chuyển giá, trốn thuế, rửa tiền, hàng cấm, hàng có điều kiện.

Chủ động triển khai công tác kiểm soát ma tuý tại các cửa khẩu quốc tế, phối hợp và nắm tình hình các địa bàn trọng điểm nhằm ngăn chặn và tổ chức đấu tranh có hiệu quả các vụ vận chuyển ma tuý trái phép qua biên giới.

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển…; làm tốt công tác thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính.

Chủ động mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương; tập trung vào thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh các vụ việc có yếu tố xuyên biên giới, xuyên quốc gia; các vấn đề phức tạp, có yếu tố khu vực, toàn cầu…

Trần Mạnh (Nguồn:haiquanonline.wwwiso.com)