Trong quý I/2022, doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là hai nhóm phát hành nhiều nhất, chiếm lần lượt 50,98% và 18,87%. 

Riêng nhóm các ngân hàng thương mại bị "lép vé" với tỷ trọng 4,85% sau thời gian dài dẫn đầu. Các loại hình khác như doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 6,8%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%.

Đáng chú ý, trong tháng 04/2022, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của 03 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm mạnh, chỉ đạt mức khoảng 30.000 tỷ đồng, giảm sâu 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Ảnh minh họa internet
Vì sao doanh nghiệp đua nhau mua lại trái phiếu trước hạn? Ảnh minh họa internet.

Trong tháng 04/2022, chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành, chiếm 63,4% còn trái phiếu của nhóm bất động sản đảo chiều sụt giảm, chỉ chiếm tỷ trọng 11,6%.

Đáng chú ý, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn. 

Trong quý I, khối lượng mua lại trước hạn là 12.800 tỷ đồng nhưng tính đến cuối tháng Tư, tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11.900 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I. Theo đó, khối lượng phát hành trong 02 tuần đầu tháng Năm tiếp tục giảm, chỉ đạt 5.200 tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.

Đề cập đến các giải pháp phát triển ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời, điều hành linh hoạt, ổn định tâm lý thị trường.

Cụ thể, về hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Tài chính đang rà soát để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.

Trong đó làm rõ hàng loạt nội dung về (i) phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ; (ii) các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; (iii) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để hạn chế đối tượng nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp mà không quan tâm, đánh giá rủi ro; (iv) việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để bảo vệ và khôi phục niềm tin nhà đầu tư và các nội dung có liên quan để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Trong thời gian đánh giá sửa các quy định có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Từ đó, nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành, hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn.

Đồng thời, đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, nâng cao điều kiện đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, cũng như bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm của các tổ chức có chức năng giám sát trên thị trường.

C.H (t/h)