Nhằm đảm bảo nhu cầu, nhiều chuyến bay rỗng từ TP. HCM đến các thành phố trên cả nước để chở khách ở chiều ngược lại. Điển hình vào ngày 18/2, có tới hơn 100 chuyến bay rỗng từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến ngày 22/02, dù nhiều công ty, trường học đã bắt đầu vào guồng hoạt động, số lượng vé máy bay cho hành khách vẫn có giá bán đắt đỏ.

Qua cao điểm đi lại mùa Tết nhưng hành khách vẫn khó mua vé chiều trở lại TP.HCM - Ảnh: C.TRUNG
Qua cao điểm đi lại mùa Tết nhưng hành khách vẫn khó mua vé chiều trở lại TP. HCM - Ảnh: Internet

Trong ngày 22/02, chặng Hà Nội - TP. HCM với 17 chuyến/chiều nhưng không còn chỗ trống, kéo dài sang ngày hôm sau. Hầu hết các hãng bay đều "cháy vé" phổ thông. Các chuyến bay từ ngày 23/04 trở đi trên website còn nhiều vé, song giá vé vẫn neo ở mức khá cao từ 2,5 - 3,3 triệu đồng/vé.

Đường bay các tỉnh như Chu Lai, Huế, Phù Cát đến TP. HCM cũng rơi vào tình trạng giá vé chạm trần hoặc không còn vé. Anh Nguyễn Châu (Bình Định) cho biết đã lùng khắp các app như ngân hàng, Traveloka, Abay, MoMo... để mua vé bay chặng Chu Lai - TP. HCM nhưng "lực bất tòng tâm".

"Gọi đến hotline hãng bay của một số hãng, tôi được khuyên nên đến sân bay trực tiếp, chờ có ai hủy vé mới có cơ hội", anh Châu kể.

Vào ngày 23/02, chặng bay này hết sạch các chuyến bay thẳng, hành khách chỉ có thể nối chuyến với số tiền hơn 5,8 triệu đồng. Việc khan hiếm chuyến bay thẳng sẽ kéo dài tới ngày 27/02. Đến ngày 28/02, chặng bay này mới bắt đầu có nhiều hơn 3 chuyến bay thẳng, chủ yếu do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khan hiếm vé bay dù qua cao điểm đi lại là do các hãng đều giảm mạnh tần suất khai thác. Chẳng hạn, từ ngày 14 đến 19/02, Vietnam Airlines khai thác từ 445 chuyến/ngày, thậm chí lên tới 481 chuyến/ngày vào ngày 19/02. Tuy nhiên, đến ngày 20/02 tần suất còn 401 chuyến/ngày với 81 máy bay hoạt động.

Cũng từ ngày 14 đến 19/02, Hãng Vietjet khai thác từ 455 - 468 chuyến/ngày nhưng đã giảm còn 364 chuyến/ngày vào ngày 20/02. Các hãng bay còn lại như Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines cũng đồng loạt giảm tần suất bay từ ngày 20/02. Một trong những lý do là các hãng phải tạm dừng kiểm tra khắc phục động cơ.

Theo thông báo của Cục Hàng không Việt Nam, tại Việt Nam có 42 máy bay Airbus A321 neo, tương ứng với 84 động cơ của Vietjet (22 máy bay) và Vietnam Airlines (20 máy bay) phải tạm dừng khai thác để kiểm tra theo thông báo của Pratt & Whitney.

Đến nay, đã có 8-9 máy bay của mỗi hãng "nằm đất" để tháo động cơ đi sửa chữa và con số máy bay phải nằm đất vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Thiên Trường (t/h)