Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này đã thông báo về "cuộc thử nghiệm rất quan trọng" trên.
Thông báo nêu rõ, vụ phóng thử này được tiến hành theo lệnh của nguyên thủ quốc gia, đã cập nhật kỷ lục mới nhất về năng lực tên lửa chiến lược, đồng thời thể hiện tính hiện đại và độ tin cậy trong khả năng răn đe chiến lược của Triều Tiên.
KCNA dẫn lời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại bãi thử nghiệm cho hay, vụ phóng này là hoạt động quân sự hoàn toàn phù hợp nhằm thể hiện ý chí đáp trả "những kẻ gần đây đã cố tình làm trầm trọng thêm tình hình khu vực và đe dọa an ninh của Bình Nhưỡng".
Cuộc thử nghiệm cũng được xem là một phần trong "quá trình thiết yếu" nhằm liên tục nâng cấp lực lượng tấn công chiến lược của Triều Tiên.
Theo nhà lãnh đạo, chính "những động thái nguy hiểm của kẻ thù" như tăng cường liên minh hạt nhân và "các hoạt động quân sự mạo hiểm khác" càng củng cố cho nỗ lực tăng cường lực lượng hạt nhân của Triều Tiên để không bao giờ cho phép bất kỳ mối đe dọa nào tiếp cận phạm vi an ninh của quốc gia. Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong Un khẳng định: "Triều Tiên sẽ không bao giờ thay đổi chính sách tăng cường lực lượng hạt nhân".
Mỹ và Nhật Bản đã phản ứng với vụ phóng ICBM trên.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Sean Savett cho hay, Nhà Trắng coi vụ Triều Tiên thử nghiệm ICBM là vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Washington cam kết sẽ thực hiện "tất cả những biện pháp cần thiết" để đảm bảo an ninh của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy vậy, ông Savett lưu ý, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ (INDOPACOM) đánh giá, vụ phóng này không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với nhân sự, lãnh thổ hay các đồng minh của Washington nhưng "làm gia tăng căng thẳng không cần thiết và có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực".
Ông cho biết thêm, nhóm an ninh quốc gia Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác về vụ việc.
Trong khi đó, hãng thông tấn Sputnik đưa tin, cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa thông báo, nước này đã trao công hàm phản đối tới Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh.
Theo ông Hayashi, Nhật Bản đang tiến hành điều tra xác minh liệu có loại tên lửa mới nào được sử dụng hay không.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã "ra lệnh phản ứng mạnh mẽ" với các hành động của Triều Tiên cùng với cộng đồng quốc tế và sẵn sàng toàn diện để ứng phó với các động thái tương tự từ Bình Nhưỡng.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên để phản ứng với vụ phóng ICBM.
Theo KCNA/Sputnik