Tỷ lệ cấp giấy phép đạt thấp

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), giai đoạn 2019-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Bắc Giang cấp mới được 57 giấy phép khai thác khoáng sản và gia hạn 1 giấy phép làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng hơn 31 triệu m3. Tuy nhiên, phần lớn giấy phép khai thác được cấp là các mỏ trúng đấu giá từ giai đoạn 2019 trở về trước.

Tính từ năm 2020 trở lại đây, UBND tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 64/69 mỏ khoáng sản (hiện 4 mỏ trúng đấu giá không nộp hồ sơ, bỏ tiền đặt cọc). Ngoài ra, còn khoảng 30 mỏ được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư không qua đấu giá. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới cấp phép khai thác được 10/60 mỏ. Đối với các mỏ không qua đấu giá, mới cấp phép được 5 mỏ.

Mỏ đất san lấp tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) vướng quy hoạch chung xã đã được tháo gỡ, cấp phép đưa vào khai thác.
Mỏ đất san lấp tại xã Hương Sơn (Lạng Giang) vướng quy hoạch chung xã đã được tháo gỡ, cấp phép đưa vào khai thác.

Việc chậm cấp phép các mỏ khoáng sản gây ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp (DN) liên quan cũng như việc triển khai thực hiện các công trình, dự án do thiếu đất san lấp, đắp nền. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bắc Giang, trụ sở tại xã Xương Lâm (Lạng Giang) thông tin: “Năm 2020, Công ty đấu giá được 5 mỏ đất san lấp mặt bằng tại địa bàn các xã Nghĩa Phương, Bảo Sơn (Lục Nam) và xã Tân Hưng (Lạng Giang); tổng diện tích được phép khai thác gần 22 ha (mỏ ít nhất 3 ha, nhiều nhất 5 ha), trữ lượng khoáng sản dự báo cao nhất khoảng 550 nghìn m3/điểm mỏ. Tuy nhiên, đến nay, mới có 2/5 mỏ được cấp giấy phép khai thác; trong đó 1 mỏ được cấp phép khai thác trong tháng 9 vừa qua.

Còn lại 3 mỏ ở các xã Bảo Sơn và Tân Hưng do vướng quy hoạch chung xã, chưa thống nhất với Quy hoạch tỉnh… nên chưa được chấp thuận đầu tư, chưa thể làm thủ tục xin cấp phép”. Điển hình như mỏ Rừng Giếng, thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng. Trong quyết định phê duyệt trúng đấu giá và phê duyệt trữ lượng, mỏ nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Tân Hưng.

Nhưng trong Quy hoạch tỉnh, mỏ nằm trên địa bàn 2 xã Tân Hưng và Hương Sơn. Vì thế suốt mấy năm nay, DN không thể hoàn thiện được hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư và cấp phép mỏ theo quy định.

“3 mỏ này chúng tôi đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để trả tiền mua đất của người dân, trồng rừng thay thế, khoan thăm dò trữ lượng đánh giá tác động môi trường... Nếu việc cấp phép tiếp tục bị chậm muộn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho DN. Vì vậy, mong các sở, ngành và địa phương tích cực quan tâm tháo gỡ vướng mắc giúp để các mỏ sớm hoạt động”- ông Sơn đề nghị.

Tại buổi đối thoại với DN về thủ tục hành chính lĩnh vực TN&MT do Sở TN&MT tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, nhiều DN khoáng sản ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang như: Công ty cổ phần cảng Tiên Du, Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Đại Hoàng Sơn, Công ty TNHH Thương mại Đan Hội, Công ty Gạch Thanh Mai... cũng phản ánh khó khăn, chậm muộn trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, xin cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản sau trúng đấu giá và không qua đấu giá.

Tăng cường phối hợp tháo gỡ

Theo Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản chủ yếu vẫn do một số huyện còn vướng mắc về quy hoạch xây dựng chưa được triển khai, tháo gỡ kịp thời. Thực tế nhiều điểm mỏ đã được phê duyệt trữ lượng trên địa bàn các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Lạng Giang nhưng chưa có trong quy hoạch chung xã, hoặc có trong quy hoạch chung xã nhưng lại không phù hợp với Quy hoạch tỉnh; việc điều chỉnh, bổ sung cần phải có thời gian. Tiến độ đầu tư, cấp phép khai thác vì thế bị kéo dài.

Được biết, để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, đưa các mỏ khoáng sản đất san lấp vào khai thác, bảo đảm nhu cầu san lấp mặt bằng trên địa bàn, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị với các ngành và DN liên quan; yêu cầu các Sở như: TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cho thống nhất; tích cực tháo gỡ những vướng mắc thuộc ngành quản lý.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phúc Thịnh cho biết: “Năm 2022, DN trúng đấu giá mỏ đất san lấp tại xã Hương Sơn (Lạng Giang). Tuy nhiên, thủ tục cấp phép khai thác gặp khó khăn do quy hoạch mỏ trùng với dự án khu du lịch sinh thái. Nhờ được Sở TN&MT cùng chính quyền địa phương hỗ trợ tháo gỡ tích cực, tháng 6/2023, mỏ đã được cấp phép đi vào hoạt động”.

Đặc biệt, để không tái diễn tình trạng DN trúng đấu giá mỏ khoáng sản gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục cấp phép khai thác, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện xem xét các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, loại đất, quy hoạch xây dựng… trước khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đủ điều kiện cấp phép hoạt động theo quy định.

Trả lời tại buổi họp báo giữa tháng 10 vừa qua về nội dung chậm cấp phép các mỏ khoáng sản, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay: Năm 2024, ngành đặt mục tiêu cấp 10 giấy phép khai thác đất san lấp (tổng trữ lượng khoảng 15 triệu m3), đến nay mới cấp 6 giấy phép với tổng trữ lượng 5,8 triệu m3. Ngoài ra, đã cấp 8 giấy phép khai thác đất trong diện tích dự án với tổng trữ lượng 5,6 triệu m3.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, Sở chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung cao thẩm định các hồ sơ được phê duyệt chủ trương đầu tư để tham mưu tỉnh cấp phép trong năm nay. Cùng đó, rà soát, thẩm định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với 10 điểm mỏ dự kiến đưa ra đấu giá tới đây, bảo đảm sau khi trúng đấu giá, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ngay thủ tục đầu tư, cấp phép theo quy định.

Đối với các mỏ còn vướng mắc, Sở tiếp tục phối hợp với sở, ngành tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch chung của xã phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh đã điều chỉnh vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 28/10/2024 .

Bá Đoàn