Quan điểm, toan tính của người trong cuộc
Tuyên bố ngày 25/10 của Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ, việc hợp tác quân sự (huấn luyện, diễn tập, chia sẻ kinh nghiệm…) giữa hai quân đội là chuyện riêng, thuộc quyền chủ quyền của hai nước, theo quy định của pháp luật. Tương tự như phương Tây nói bảo đảm an ninh cho Ukraine là chuyện của họ.
Quan điểm của Bình Nhưỡng cũng vậy. Bộ Ngoại giao Triều Tiên không bình luận trực tiếp nhưng nói hành động mà phương Tây nêu về sự hợp tác giữa hai nước tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế. Cơ sở pháp lý mà Nga và Triều Tiên nói đến là Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện ký tháng 6/2024.
Biết chắc gặp phản ứng nhưng Moscow và Bình Nhưỡng không ngại. Họ toan tính gì? Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2024 tại Kazan là đòn ngoại giao đa phương của Nga, phá vỡ mảng đáng kể trên mặt trận bao vây, cấm vận kinh tế, tài chính, chính trị, ngoại giao của phương Tây.
Xung đột ở Ukraine thực chất là sự đối đầu giữa Nga với NATO, phương Tây. Đối phương đã không ngại vượt lằn ranh đỏ, ngày càng can dự sâu, rộng và trực tiếp hơn, buộc Moscow phải tìm nhiều cách đáp trả. Hợp tác với Triều Tiên, Iran, Syria… là đòn phản công trên mặt trận quân sự, an ninh, chính trị, ngoại giao của Nga.
Hợp tác, ủng hộ về tinh thần, vật chất, nhân lực quân sự giữa đồng minh, đối tác nhằm đáp lại đòn vây ép của NATO và chứng tỏ Nga không đơn độc trên mặt trận phức tạp, nhạy cảm này. Đồng thời, nó chứa đựng thông điệp rõ ràng, không để phương Tây, NATO tự do hành động, buộc phải cân nhắc, phân tán nguồn lực trên các địa bàn chiến lược và không thể loại Nga ra ngoài, nếu muốn giải quyết các điểm nóng, thách thức toàn cầu.
Hợp tác toàn diện với Moscow, trong đó có lĩnh vực quân sự, là lối thoát quan trọng của Bình Nhưỡng trước đòn cấm vận, sức ép lớn, nhiều mặt từ phương Tây. Triều Tiên có được nguồn cung dồi dào về năng lượng, lương thực và các sản phẩm khác. Quân đội thêm kinh nghiệm thực chiến, có thể được hỗ trợ công nghệ quân sự tiên tiến. Đặc biệt, Bình Nhưỡng tạo được đối trọng với liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, có vị thế tốt hơn trong đối phó với căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phản ứng của phương Tây, Hàn Quốc và Ukraine
Phương Tây, Hàn Quốc, Ukraine lập tức và đồng loạt đưa tin, dự báo khoảng chục nghìn binh sĩ Triều Tiên đang và sẽ hiện diện ở Nga, có thể hỗ trợ, tham gia tác chiến ở Kursk và trên tiền tuyến. Đồng thời với chỉ trích mạnh mẽ, họ tăng cường gặp gỡ, chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm chung, xây dựng chiến lược hành động và biện pháp đối phó.
Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đánh giá hợp tác Nga-Triều Tiên chứng tỏ Moscow “ngày càng tuyệt vọng”; đồng thời nhấn mạnh đó là “sự mở rộng nguy hiểm” của chiến sự, xung đột, là mối đe dọa đối với an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Châu Âu-Đại Tây Dương. Đó cũng là quan điểm của nhiều lãnh đạo phương Tây, Hàn Quốc và Ukraine.
Không chỉ lo ngại leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, Nga được sự hỗ trợ đáng kể ở Ukraine mà phương Tây, NATO còn cho rằng Moscow, Bình Nhưỡng đã lách, vô hiệu hóa nghị quyết về cấm vận. Hơn thế nữa, nó củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết giữa Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, đối trọng với liên minh của Mỹ và đồng minh trên các địa bàn chiến lược.
Ukraine nhấn mạnh, hợp tác Nga-Triều Tiên khiến cuộc xung đột vượt ra ngoài phạm vi hai quốc gia, trở nên quốc tế hóa. Hàm ý của Kiev là lệnh trừng phạt chưa đủ, phương Tây, NATO cần phản ứng mạnh mẽ, hỗ trợ, can dự lớn hơn, sâu hơn, dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa trên lãnh thổ Nga.
Phương Tây, NATO thống nhất với chủ trương của lãnh đạo Hàn Quốc, sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả theo từng giai đoạn, tùy thuộc vào diễn biến hợp tác quân sự Nga - Triều Tiên.
Trên cơ sở đó, họ thống nhất một số biện pháp ban đầu. Phương Tây, EU xác định hợp tác với Hàn Quốc, Ukraine đối phó với Nga, Triều Tiên là “ưu tiên hàng đầu”. NATO tiếp tục tăng cường hợp tác tình báo, chuyên môn, trao đổi tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao, với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, các đối tác hàng đầu ở khu vực.
Mỹ tuyên bố không giới hạn Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ nếu quân Triều Tiên tham chiến. Hàn Quốc sẵn sàng thay đổi chính sách, cung cấp vũ khí phương tiện quân sự, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Ukraine đối phó với quân đội Triều Tiên.
Xung đột ở Ukraine, Trung Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng khác, ngoài mâu thuẫn nội tại, còn có nguyên nhân sâu xa từ sự đối đầu địa chính trị và ý đồ chiến lược của các cường quốc trên các khu vực trọng điểm và toàn cầu.
Nó vừa thúc đẩy xung đột vừa kéo theo việc củng cố, mở rộng các liên minh, liên kết, tạo sự đối trọng ngày càng lớn, càng sâu giữa các lực lượng, nhất là trên các địa bàn chiến lược; buộc các bên phải tính toán, cân nhắc thận trọng hơn.
Chưa thể dự báo, đánh giá đầy đủ về diễn biến, động thái, phản ứng của phương Tây, NATO liên quan đến hợp tác Nga-Triều Tiên và tác động của nó đến khu vực, các quan hệ song phương, đa phương. Nhưng chắc chắn tình hình ở các điểm nóng sẽ căng thẳng, phức tạp hơn, cục diện ở Ukraine càng khó đoán định hơn.
Không loại trừ khả năng phương Tây, NATO nhân sự kiện đó mà can dự, công khai hiện diện trực tiếp lực lượng quân sự, vũ khí ở Ukraine. Kéo theo hành động đáp trả mạnh của Nga như đã tuyên bố. Khi đó, chưa biết cuộc xung đột sẽ leo thang, mở rộng đến đâu.
Bài viết của Tiến sỹ Vũ Đăng Minh đăng tại baoquocte.vn