Theo đó, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong chương trình dinh dưỡng; phòng chống tác hại rượu bia; phòng chống tác hại thuốc lá; chương trình giám sát chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt, quản lý chất thải y tế; phòng chống bệnh không lây nhiễm; phòng chống tai nạn thương tích; chăm sóc sức khỏe tinh thần tại cộng đồng; phòng chống HIV/AIDS; viêm gan virus; phòng chống lao... thì TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân như: những tác động từ biến đổi môi trường - khí hậu, sự thay đổi và phát triển về đời sống kinh tế - xã hội của người dân dẫn đến sự gia tăng của gánh nặng bệnh tật cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng, nâng cao.
Nhiều vấn đề về sức khỏe người dân vẫn còn tồn tại, tiếp tục phải giải quyết như gánh nặng bệnh tật kép “bệnh truyền nhiễm - bệnh không lây”, sức khỏe môi trường, xu hướng gia tăng thừa cân - béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường cùng với một số bệnh mạn tính không lây liên quan đến chế độ dinh dưỡng, vận động thể lực. Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản như sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu bia...
Y tế cơ sở tuy được nâng cao về trang thiết bị và nhân lực, nhưng năng lực sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, cung ứng các dịch vụ chăm sóc, quản lý người bệnh không lây nhiễm chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, dẫn tới quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Việc cập nhật, thay đổi cách lấy nguồn số liệu theo hướng dẫn của các phần mềm hoặc văn bản chỉ đạo mới liên quan chương trình sức khỏe cũng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thống kê báo cáo.
Trước tình hình thực tiễn, mô hình bệnh tật địa phương và thông qua kết quả tổng kết giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, căn cứ trên những văn bản pháp lý về tăng cường bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh một số chỉ tiêu dự kiến không đạt vào năm 2025 và 2030 theo Quyết định 2297 ngày 24.6.2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh (Đề án "Phát triển y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030").
Các chỉ tiêu điều chỉnh gồm: 2 chỉ tiêu về giảm tử vong trẻ sơ sinh và bà mẹ; 2 chỉ tiêu giảm trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể nhẹ cân; giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng; hướng tới kết thúc đại dịch AIDS; loại trừ lây nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B từ mẹ sang con; giảm số ca nhiễm HIV của trẻ sơ sinh; giảm số ca giang mai bẩm sinh.
Hoàng Bách(t/h)