Theo đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa.
Thương mại điện tử tại TP. Hồ Chí Minh phát triển rất nhanh cả về quy mô và chất lượng, tạo thành nền tảng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, khi thực thi các thỏa thuận thương mại tự do.
Về số lượng website, ứng dụng do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sở hữu đã đăng ký với Bộ Công Thương có tỷ lệ cao nhất nước.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có 23.870 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,5% cả nước)...
Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 chiếm 16,7% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác phát triển thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn, như: chưa có các quy định, hàng rào kỹ thuật, siết chặt quản lý đối tượng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Vũ cho rằng ngành đang rất “đau đầu” với sự xâm nhập của các công ty Trung Quốc khi hình thành các kho hàng sát biên giới, được khai thác công nghệ, giải pháp nhằm hỗ trợ cung cấp hàng hóa.
"Sở đã có văn bản chính thức báo cáo Bộ Công Thương đề nghị chấn chỉnh việc này", ông Vũ cho biết.
Mặt khác, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện nhiều trên môi trường mạng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử còn hạn chế, dẫn đến không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Về vấn đề này, TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung nền thương mại điện tử chiếm một tỷ lệ lớn nhất trên cả nước, nhưng việc cấp phép hoạt động là của Bộ Công Thương, thành phố không được cấp phép.
“Việc này gây khó cho việc tính thuế, điều tiết thị trường và thâm nhập những công nghệ mạnh hơn. Do đó, thành phố cần đề nghị một cơ chế, chính sách hợp lý hơn”, ông Thắng nói.
Chỉ đạo công tác quản lý về chuyển đổi số và hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, đề nghị các cơ quan, đơn vị cần xem chuyển đổi số trở thành công việc thường xuyên và tập trung hơn. Bởi đây là xu thế tất yếu, không thể không làm nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước tại đơn vị.
Cũng theo ông Kiên, vấn đề quản lý chỉ dựa vào con người là không được, mà phải áp dụng chuyển đổi số, áp dụng phần mềm như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đặt vấn đề. Bởi AI có thể giải quyết được nhiều nội dung mà trước đây không giải quyết được…
Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có doanh số mua hàng thương mại điện tử cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD chiếm 29% quy mô cả nước.
Doanh số bán hàng thương mại điện tử (được tính theo vị trí đặt kho hàng) đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, tăng trưởng 37% so cùng kỳ, sản lượng đạt 440 triệu sản phẩm, tăng gần 45,2% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu thương mại điện tử tăng, ngược lại số lượng nhà bán hàng trực tuyến giảm 18,5%, qua đó cho thấy thị trường thương mại điện tử đang sàng lọc và ngày càng cạnh tranh gay gắt.
Hoàng Bách(t/h)