Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17 và 18 Điều 6 (sửa đổi); quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 1a Điều 42 (sửa đổi); quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử tại khoản 4 Điều 42 (sửa đổi), bao gồm cả trách nhiệm tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cụ thể: Bổ sung quy định: Bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; thuốc phải kiểm soát đặc biệt; thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ. Bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Về thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc: Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn trách nhiệm thu hồi thuốc tại Điều 64 (sửa đổi); về thẩm quyền ra quyết định thu hồi thuốc, thủ tục thu hồi thuốc theo hướng phân định rõ thẩm quyền của trung ương và địa phương khi ra quyết định thu hồi bắt buộc, cụ thể thời gian ra quyết định thu hồi thuốc hoặc ra văn bản trong trường hợp cần thêm thông tin xác định mức độ vi phạm của thuốc, quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu quyết định thu hồi thuốc tự nguyện tại Điều 65.
Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò của Sở Y tế trong việc bảo đảm tính kịp thời trong xử lý các thuốc không đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn cho người sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý.
Về quản lý giá thuốc: Để thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, kế thừa từ biện pháp kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường đã được triển khai ổn định và phát huy tác dụng trong kiểm soát giá thuốc; đồng thời, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá, dự thảo Luật quy định về biện pháp công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc cùng với việc bổ sung giải thích các khái niệm “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục tại các khoản 44, 45, 46 và 47 Điều 2 (sửa đổi); quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với thuốc kê đơn, trừ một số trường hợp theo quy định của Chính phủ tại khoản 3 Điều 107 (sửa đổi) và biện pháp kiến nghị về giá khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý tại khoản 4 Điều 107 (sửa đổi).
Đồng thời, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc; bãi bỏ quy định tại Điều 114 Luật hiện hành do trách nhiệm của các cơ sở thực hiện đấu thầu thuốc đã được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023.
Hà Trần(t/h)