Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, chính sách này nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo kết nối chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Theo đó, nội dung quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp (sau đây gọi chung là sản phẩm nông nghiệp) trên địa bàn thành phố.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể là nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là nông dân).
Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cá nhân). Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã), doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện quy định này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về nội dung và mức hỗ trợ.
Theo đó, đối với việc hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, sẽ chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường
Về hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng.
Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông: Chính sách này cũng đưa ra các quy định về hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.
Hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật mới: Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã chính thức được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh và được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu suất sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Phong Vân