“Tắc” ở khâu xử lý
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Vũ Đức Thuận, Uỷ viên Hội đồng Quỹ chống hàng giả, Tổng Biên tập Báo Thương hiệu & Công luận cho biết: Theo tổng kết chung của thế giới thì có khoảng 1,7 nghìn tỷ USD hàng giả, chiếm từ 5 – 7% thu nhập của toàn thế giới. Tuy tại Việt Nam chưa tổng kết, nhưng hàng giả tràn ngập trên tất cả các lĩnh vực, từ phân bón, thuốc chữa bệnh, kể cả sách giả… Như vậy là cực kỳ nguy hiểm.
Quan cảnh buổi toạ đàm
Theo ông Hồ Quang Thái, nguyên Chánh Văn phòng Quỹ chống hàng giả, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, đa dạng về mẫu mã, giá cả và chủng loại. Hàng giả ngày càng tinh vi. Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Trong đó, TP. HCM là thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá lớn nhất cả nước nên chịu nhiều tác động phức tạp từ vấn nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Nguyên nhân chính là do siêu lợi nhuận thúc đẩy, lôi kéo một số đối tượng tham lam. Mặt khác, tâm lý chung của người tiêu dùng là thích dùng hàng ngoại, ham rẻ. Đó là nhân tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả có nơi lưu hành thuận lợi. Hơn nữa, người tiêu dùng thường thiếu cảnh giác và ít có thông tin về sản phẩm nên khó phân biệt được sản phẩm thật – giả.
Cần có sự gắn kết giữa Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM và Quỹ chống hàng giả
Hiện nay, cơ chế quản lý, phối hợp và chế tài xử lý còn nhiều bất cập. Trong đó, khâu giám định, tưởng chỉ là một thủ tục song lại làm “tắc” không ít vụ xử lý hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, pháp luật còn khá nhiều kẽ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều công ty, doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận trái luật. Nếu bị phát hiện, họ sẵn sàng nộp phạt vì mức tiền phạt rất nhỏ so với lợi nhuận từ làm hàng giả mang lại.
Thụ động, thiếu kết nối
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ chống hàng giả Nguyễn Đức Lợi, vai trò tham gia của doanh nghiệp - chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong thực thi là rất quan trọng. Doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm nhãn hiệu, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại lên Cục Sở hữu trí tuệ.
Vai trò của các doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả là vô cùng quan trọng
Hiện nay, cần phải thiết lập cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, nhà sản xuất cần bỏ kinh phí để thông báo đến người tiêu dùng nhằm phân biệt hàng thật với hàng giả và có chính sách khen thưởng kịp thời cho những người tiêu dùng phát hiện ra hàng giả, hàng nhái.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM Chu Tiến Dũng cho rằng: “Để làm tốt công tác chống hàng giả thì nhận thức của người tiêu dùng là rất quan trọng. Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cũng xác định việc chống hàng giả, gian lận thương mại là vấn đề rất quan tâm để hợp tác, liên kết với các nơi, trong đó gắn chặt với chính quyền, đặc biệt là Chi cục Quản lý thị trường thành phố. Các doanh nghiệp cần tự bảo vệ mình - vẫn là số một, tiếp theo là gắn kết với cộng đồng để tạo nên nền sản xuất lành mạnh”.
Quỹ chống hàng giả còn đề nghị các doanh nghiệp chủ động hợp tác ứng dụng khoa học, công nghệ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để chống hàng giả. Đồng thời, chủ động phát hiện, chia sẻ với Quỹ chống hàng giả và cung cấp cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, doanh thu, uy tín của doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng.
Cao Thanh