TS. Cấn Văn Lực (Ảnh Trí thức trẻ)
Làm sao để doanh nghiệp, người dân, các hộ sản xuất tránh được bẫy tín dụng đen, làm sao để tiếp cận được nguồn vốn chính thức với lãi suất hợp lý, an toàn, hiệu quả, những chính sách nào được khuyến nghị để thúc đẩy cho vay cá nhân giai đoạn hậu Covid-19…là câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến: "Làm gì để thúc đẩy cho vay cá nhân hậu Covid-19?" tổ chức sáng nay 20/5, các vấn đề đó đã được hai chuyên gia đầu ngành là TS. Cấn Văn Lực và Luật sư Trương Thanh Đức, cùng với đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước phân tích, giải đáp.
Dù các tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất đáng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đến nay, song khách hàng vẫn phản ánh lãi suất đi vay còn cao.
Về vấn đề này, ong Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho hay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất.
Ngày 17/3/2020, NHNN giảm đồng bộ 0,5-1%/năm lãi suất điều hành để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất của NHNN; giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD. Tiếp đó, ngày 13/5/2020, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,3-0,5%/năm trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Sau động thái điều hành của NHNN, các TCTD đã đồng loạt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng (một số TCTD giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng) và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Hiện mặt bằng lãi suất huy động sau điều chỉnh của TCTD phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,1-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm. Các TCTD áp dụng lãi suất cho vay tối đa đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 5%/năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, về mặt bằng lãi suất, rõ ràng lãi suất đã và đang giảm đáng kể. Hiện lãi suất giảm cả ở huy động và cho vay. Tuy nhiên, từ đầu năm đến hết tháng 4, điều doanh nghiệp và người dân quan tâm nhất là dòng tiền, thanh khoản khi đến hạn nộp thuế, trả nợ, nộp tiền,…Chính phủ cũng đã nhận rõ vấn đề và “đánh trúng” khi có các gói hỗ trợ.
Trong đó, NHNN đã có Thông tư 01 với tính đột phá, khi không chuyển nhóm nợ, không tính lãi phạt chậm trả nợ. Mức giảm lãi suất từ 0,5-2,5% là mức tương đối lớn. Chỉ trừ các khoản vay bất động sản có hệ số rủi ro cao thì lãi suất ở mức cao hơn mặt bằng.
“Năm nay, nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp đều tương đối thấp. Hết qúy I/2020, dư nợ tín dụng đạt khoảng 8,3 triệu tỷ, tương đương 134% GDP, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm 55%, cho vay cá nhân chiếm đến 45%. Rõ ràng, một lượng vốn tương đối khổng lồ là dành cho cá nhân, hộ gia đình.
Dù vậy, nhu cầu vốn đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4, với tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 4 là 1,32% nhưng vẫn thấp hơn so với năm ngoái (4,56%). Đến tháng 5, theo số liệu do NHNN cập nhật cho thấy đã tăng tương đối tốt. Tôi dự báo, tín dụng sẽ tăng trở lại, đến hết quý 2 sẽ đạt khoảng 3,5-4%, hết năm là 9-10% là phù hợp”, TS Lực nhận định.
Cũng theo ông Lực, nếu tăng trưởng GDP năm nay phấn đấu đạt 4-5%, thì tín dụng khoảng 9-10%, gấp hơn 2 lần là tương đối phù hợp. Nếu tăng 9-10% mà người dân và doanh nghiệp vẫn kêu khó thì phải xem lại thực hư xảy ra với đối tượng nào. Bởi mức tăng 9-10% là mức cao gần nhất trong khu vực. Nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại và sẽ tăng lên trong thời gian tới, và tương đối lớn vì phát triển kinh tế xã hội của nước ta đang ở mức tương đối cao so với khu vực.
Trần Nguyên