THCL Thực phẩm sạch, rau sạch đang là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, ngoài các cửa hàng được chứng nhận đảm bảo ATVSTP, nhiều cửa hàng “rau sạch an toàn” chưa có chứng nhận vẫn ngang nhiên kinh doanh trên địa bàn TP. HCM.

Bát nháo “cửa hàng rau sạch”

Các cửa hàng với biển hiệu “rau sạch an toàn” đang trở thành điểm đến, được nhiều người tiêu dùng tìm đến như một địa chỉ thực phẩm sạch, an toàn trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.

Chỉ trên địa bàn TP. HCM, hàng loạt cửa hàng rau sạch mọc lên như “nấm sau mưa” nhằm đáp ứng  nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài các địa chỉ có thương hiệu, như: Cửa hàng rau cười Việt Nhật (quận Bình Thạnh); Thế giới nông sản, rau an toàn Đà Lạt (Gò Vấp); Cửa hàng thực phẩm dinh dưỡng Chân Nguyên (Q.1); Cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica (Q.3)...xuất hiện rất nhiều đơn vị kinh doanh, nhỏ lẻ.

Ngoài ra, trên các trang mạng, địa chỉ cung cấp rau và thực phẩm sạch cũng mở ra nhan nhản. Chỉ cần một cú nhấp chuột hay điện thoại, rau sẽ được chở tới tận cửa văn phòng hoặc gia đình.

Thế nhưng, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn về chất lượng thực sự của các sản phẩm có trong các cửa hàng thực phẩm, rau sạch.  Chị N.T.A (Q.2, TP.HCM), một người thường xuyên mua thực phẩm sạch tại các cửa hàng nông sản cho hay: “Từ khi thực trạng thực phẩm bẩn ngày càng nhiều, tôi đã chuyển sang mua hàng thực phẩm được sản xuất an toàn ở các cửa hàng nông sản sạch. Nhưng tôi cũng rất dè dặt vì cũng không thể nào kiểm soát được hết. Theo tôi được biết thì thực phẩm hữu cơ được sản xuất rất ít và cũng rất ít cơ sở sản xuất có chứng nhận hữu cơ. Nhưng nhiều cửa hàng, tôi cũng thấy họ vẫn đóng nhãn là thực phẩm hữu cơ”.

Chứng nhận rau sạch bằng… “lời hứa”

Điểm duy nhất kéo người tiêu dùng tìm đến những cửa hàng rau sạch như thế này, đó là niềm tin vào các biển hiệu và người bán hàng. Song, rau sạch là loại rau được sản xuất theo quy trình kỹ thuật bảo đảm được các tiêu chuẩn như: Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích... nhằm giảm tối đa lượng độc tố tồn đọng trong rau như nitrat, thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh.

Chính những tiêu chuẩn quy trình phức tạp cũng như tốn kém trong việc sản xuất và thẩm định chất lượng rau nên người bán và người sản xuất không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Và dĩ nhiên bằng nhiều cách, rau kém chuẩn vẫn xuất hiện ở các cửa hàng bán rau sạch.

Cụ thể, khi hỏi giấy chứng nhận rau sạch của nhiều cửa hàng online chủ hàng đều khẳng định: “Bên em làm mô hình rau hữu cơ theo hộ gia đình, không có chứng nhận. Nhưng đảm bảo là rau được trồng theo tiêu chuẩn rau sạch”. Mặc dù cửa hàng rau hữu cơ này chỉ cam kết suông về chất lượng nhưng vẫn bán với giá cao gấp 3-5 lần so với rau ngoài chợ.

Việc không minh bạch trong nguồn gốc sản phẩm, không có nhãn mác quy chuẩn tại một số cửa hàng quảng cáo bán rau sạch hiện naydễ dẫn tới khả năng trà trộn rau, củ từ các nguồn khác nhau. Trong khi đó, kinh nghiệm về rau sạch với nhiều người vẫn mơ hồ và người tiêu dùng thường đặt niềm tin vào chủ cửa hàng rau sạch để lựa chọn thực phẩm và rau an toàn cho các bữa ăn gia đình.

Theo quy định của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), không phải cửa hàng cứ lấy thực phẩm, dù sạch về bán là đủ điều kiện kinh doanh. Ngoài giấy đăng ký kinh doanh, cửa hàng phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do chi cục cấp.

Như vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu tất cả các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, rau sạch trên địa bàn Tp.HCM có đảm bảo đúng tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP theo quy định? Với các cửa hàng kinh doanh gắn mác “cửa hàng rau sạch” chưa được chứng nhận hiện nay sẽ được xử lý ra sao khi niềm tin người tiêu dùng đang dần mất đi?

PV