Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương;

Làm cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, bảo đảm khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Việc lập quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc: hoạt động quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật quy hoạch; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển giáo dục đại học và các chiến lược khác có liên quan trong cùng giai đoạn phát triển; bảo đảm sự liên kết, đồng bộ và tính hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia;

Bảo đảm tính hệ thống: Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có quy mô và cơ cấu hợp lý, phân bố hài hòa, kết nối chặt chẽ với các vùng kinh tế; tạo cơ chế để hình thành các đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động;

Bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ: Chính phủ thống nhất chỉ đạo và định hướng; các cơ sở giáo dục đại học tự rà soát, sắp xếp, quyết định theo phương án quy hoạch và chính sách của Nhà nước; các cơ quan quản lý trực tiếp hạn chế can thiệp có tính hành chính khi thực hiện quy hoạch.

Bảo đảm tính kế thừa, tính khả thi, phù hợp với năng lực đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội; tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tham gia phát triển giáo dục đại học; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Tâm An