Các đại biểu bấm nút động thổ dự ánCác đại biểu thực hiện nghi thức động thổ dự án

Tới dự buổi lễ, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và TP. Hà Nội; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện nhà đầu tư và các cơ quan thông tấn báo chí.

Dự án Thành phố thông minh - do liên danh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư triển khai, tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD. Dự án có tổng diện tích 272 ha, nằm trên các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội). Đây là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. 

Dự án được lập dựa trên đồ án quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài (chiều dài khoảng hơn 11 km).

Để triển khai dự án mang tầm cỡ quốc tế, vào cuối năm 2017, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài.

Hạ tầng dự án sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của Công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hong Kong - Trung Quốc), tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng “Rồng đón ngọc” - xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, đầu rồng quay về sông Hồng - Hồ Tây.

Tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng được xem là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của Thành phố thông minh, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.

Kiến trúc của Thành phố thông minh được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch…

Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hiện đại, kết nối với nhau bằng hệ thống đường giao thông đô thị và tàu điện.

Việc triển khai dự án cũng thể hiện sự tiên phong và quyết tâm của TP. Hà Nội khi sớm hiện thực hóa nghị quyết về cuộc CMCN lần thứ 4 của Bộ Chính trị, trong đó định hướng đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Dự án được xây dựng theo mô hình với 6 tính năng thông minh vượt trội chính:

Năng lượng thông minh, việc sử dụng năng lượng thông minh trong thành phố thông minh sẽ được tối ưu hóa thông qua việc tích hợp giữa hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà, căn hộ với hệ thống quản lý năng lượng trung tâm. Năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên sử dụng.

Giao thông thông minh, thành phố thông minh sẽ thiết lập một tuyến phố đặc trưng với không gian chung đầy đủ tiện ích và dịch vụ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của cư dân và du khách.

Quản trị thông minh, cư dân sống trong khu đô thị thông minh được bảo đảm an toàn tối đa nờ hệ thống quản lý an ninh hiện đại. Toàn bộ khu vực được áp dụng hệ thống giám sát, cảnh báo tối tân, kiểm soát ngập ủng và tái sử dụng nước mưa.

Học tập thông minh, hệ thống lớp học thông minh kết nối giáo viên từ các nước trên thế giới giảng dạy qua các lớp ảo trên internet, giúp người học có thể tối đa hóa trải nghiệm cá nhân.

Kinh tế thông minh, với biểu tượng hoa sen, Tòa tháp Tài chính sẽ là nơi hội tụ điểm nhìn của tất cả du khách khi đến với Hà Nội.

Thành phố thông minh cũng là nơi tập trung văn phòng của các tổ chức kinh tế hàng đầu. Thành phố sẽ áp dụng đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, giúp nâng cao trải nghiệm tiêu dùng thông minh của cư dân.

Đời sống thông minh, nước hiện diện xuyên suốt và được lấy làm trung tâm, thúc đẩy sự phát triển của các khu vực trong thành phố. Không gian nước, không gian thiên nhiên với không khí trong lành hòa quyện với cuộc sống hiện đại của cộng đồng thông minh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễChủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ 

Phát biểu tại lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh:

Dự án Thành phố thông minh là dự án quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từ các nhà đầu tư.

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy, giải quyết các vấn đề về quy hoạch, hạ tầng giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường phát triển theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ số thông minh tại các khu đô thị, nhằm mang đến cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn.

Khu đô thị này cũng phù hợp với chủ trương giãn dân nội đô và phát triển đô thị phía bắc sông Hồng của thành phố, phù hợp với định hướng của Trung ương.

Lễ động thổ và công bố dự án thành phố thông minh hôm nay đánh dấu sự khởi đầu trong việc triển khai xây dựng thành phố thông minh đầu tiên của Việt Nam và đầu tiên tại Hà Nội.

Đây là kết quả sự nỗ lực của liên danh Sumimoto và Tập đoàn BRG trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong việc xây dựng các mối quan hệ với các nhà đầu tư để cùng nhau phát triển. Thành phố luôn coi sự thành công của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp chính là sự thành công của thành phố.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên một biểu tượng sức sống mới, mang đến các tiêu chuẩn sống hiện đại và đẳng cấp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội...

Nguyễn Kiên