"Lẩu thập cẩm" đặc sản núi rừng Tây Bắc
Cửa hàng có diện tích nhỏ, gian hàng bày biện các sản phẩm bên trong cũng không quá nhiều. Tại đây PV Thương hiệu & Công luận được chủ quán chào mời rất nhiệt tình về nhiều loại thuốc “tự chế” của anh với nhiều công dụng chữa bệnh như: Chữa đau dạ dày, chữa vô sinh hiếm muộn, chữa viêm xoang, "chữa khô hạn" và tăng ham muốn "sinh hoạt" vợ chồng.
"Mục sở thị", trong quán, PV Thương hiệu & Công luận phát hiện bày bán rất nhiều sản phẩm thiên về bồi bổ sức khỏe của Hàn Quốc, Trung Quốc không có tem hay nhãn phụ, ngoài ra còn nhiều bình rượu ngâm sâm, các loại quả, ngâm các dược liệu đông y và ngâm nấm linh chi nhưng không thấy có dán nhãn hay thông tin sản phẩm, không ghi tính năng, công dụng ở mỗi bình rượu ngâm khác nhau. Đây có lẽ đều là các loại rượu do anh chủ quán này “tự chế” để bán cho nhu cầu riêng theo các bệnh lý hay tác dụng hấp dẫn đối với người sử dụng.
"Thuốc tốt... đến Phó Chủ tịch thành phố cũng uống"
Hộp bột mầu trắng không nhãn mác, không liều lượng thành phần, không đơn vị kiểm định hay tên tuổi người sản xuất được chủ quán giới thiệu là sâm tố nữ có tác dụng “hỗ trợ tăng nội tiết tố nữ, giảm nám, tàn nhang, đẹp da, tăng ham muốn quan hệ và hết khô hạn, tăng size vòng 1 hiệu quả”.
Anh chủ quán giới thiệu: "Đảm bảo thuốc tốt, an toàn do chính tôi làm, nhiều người ngay cả bác sĩ và giáo viên cũng đã uống, đến “Phó chủ tịch thành phố” cũng uống".
Anh chủ quán "đem" cả người nổi tiếng, chính khách, người có chuyên môn là bác sĩ, Phó Chủ tịch thành phố ra để quảng cáo cho sản phẩm của mình thì quả thật, "người chống lưng" cho quán này không thể "tay không to" được. Và, cái việc ông Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng, tên Lê Khắc Nam, trong loạt bài về hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế bán la liệt, lừa dối người tiêu dùng đã trả lời PV Thương hiệu & Công luận là "cho thanh, kiểm tra rồi" mà vẫn thế này sao?
“Dán vào cho mà nó phạt nhấc người lên”
PV Thương hiệu & Công luận bất ngờ trước màn quảng cáo "nổ" hơn pháo ngày tết xưa của chủ quán nhà số 15 đường Thiên Lôi này. Và, tiếp tục tác nghiệp "Tại sao anh lại không dán tên sản phẩm?" Anh chủ quán nói: “Dán vào cho mà nó phạt nhấc người lên”. Thật mâu thuẫn, quảng cáo thì nổ như pháo ngày tết xưa, hỏi "sao không dán nhãn" thì lại nói "dán vào cho mà nó phạt nhấc người lên". "Nó" ở đây là cơ quan nào? Quản lý thị trường, thanh tra y tế hay cá nhân?
Chủ quán giải thích "vì sản phẩm chưa được kiểm định bởi Sở Y tế, chưa đăng ký thương hiệu, tất cả do tôi “thầy lang” tự làm “hàng thủ công mình làm, hàng mua về say bột tự làm chứ có phải hàng nhập đâu”.
PV hỏi, "sao anh không đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình"? Chủ quán tự hào nói rằng, anh ta học được cách làm thuốc của “bên Nhật, giáo sư Trung Quốc làm bên đấy giảng dậy" thì “để đăng ký thương hiệu thì chắc phải bán nhà đi để đầu tư vào, mình phải đưa đi kiểm định cái nọ cái chai” rất tốn kém mà chưa chắc đã được.
Nghe chia sẻ của chủ quán, PV Thương hiệu & Công luận lấy làm băn khoăn về việc đưa sản phẩm thuốc đông y đi kiểm định để đăng ký thương hiệu mà phải “bán nhà đi để đầu tư vào”.
Theo như Thông tư số 21/2018/TT-BYT, Luật Dược số 105/2016/QH13, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định rõ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Y tế về việc ban hành thông tư quy định việc đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu có thời hạn nhận và giải quyết hồ sơ trong 06 tháng, các khoản phí và lệ phí cũng được quy định rõ từng mục, không hề nhiều đến mức phải “bán nhà” để xin kiểm định và cấp phép thương hiệu cho sáng chế sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Đây phải chăng chỉ là lý do để “thầy lang” vô danh này ngụy biện với khách hàng để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, không sự đảm bảo về chất lượng hay tác dụng chữa bệnh như thần dược. Việc phải “bán nhà” để lo chứng nhận và xin phép lưu hành một sản phẩm thuốc đông y tốt được bào chế từ những người “thầy lang” này không đáng tin chút nào. Nếu có nghiên cứu và bào chế ra một sản phẩm thuốc tốt mà lại phải đầu tư một khoản tiền lớn để làm chứng nhận của cơ quan chức năng thì liệu có công bằng với những thầy thuốc có tâm thực sự? Hay số tiền lớn kia phải chi vào những “chỗ nào” trong khi các quy định về phí và lệ phí người làm hồ sơ yêu cầu sở hữu trí tuệ nộp chỉ lên đến vài chục triệu đồng.
Quảng cáo chữa vô sinh và bán hàng cấm trên mạng xã hội
Tiếp tục câu chuyện về thuốc chữa bệnh, anh chủ quán của tên biển hiệu Đức Hưng Đường này còn khẳng định đã chữa vô sinh hiếm muộn cho rất nhiều người mà giá rất rẻ.
Sau khi xin thêm thông tin để trao đổi nhóm PV Thương hiệu & Công luận phát hiện trên zalo mang tên dược liệu Đức Hưng Đường có bán vô số loại sản phẩm được liệt vào danh sách cấm như: Cao hổ cốt, mật gấu Taiga Nga được cam kết là gấu hoang dã với giá khoảng 10 triệu một túi mật khô trọng lượng khoảng 100g. Cao nhung hươu, nanh gấu, nanh hổ, vuốt hổ, vuốt gấu, bộ da hổ, cao ngựa bạch, cao mèo đen.
Theo tìm hiểu của PV thì tài khoản zalo Dược liệu Đức Hưng Đường này hoạt động từ khá lâu, trên nhật ký ngoài các loại cao về động vật còn có nhiều loại cao khác từ thảo dược được đăng bán và vô số các mặt hàng bổ dưỡng cho sức khỏe, cho sinh lý nam và nữ, chữa vô sinh hiếm muộn, chữa trĩ, đau dạ dày, xoang nhưng không hề có xác nhận của đơn vị kiểm định, của cơ quan thẩm quyền.
Các sản phẩm của nước ngoài hiển nhiên không hề có nhãn phụ và bất kỳ một thông tin gì bằng tiếng Việt được dán kèm. Thêm vào đó là cả của hàng tại số 15 Thiên Lôi này không sản phẩm nào được niêm yết giá.
Mật gấu, anh chủ Đức Hưng Đường nói mua bên Lào và Nga nhưng lại xuất buôn qua Nhật Bản. Ngỏ ý làm cộng tác viên bán hàng cho anh thì được anh chia sẻ đừng đăng trên Facbook, đăng zalo thôi để an toàn. Rõ ràng anh chủ hàng hoàn toàn nhận biết về hành vi buôn bán của mình là có vi phạm luật pháp, nhưng anh lại tìm được phương thức “lách luật” là đăng bán sản phẩm ở tài khoản zalo để an toàn hơn mạng xã hội Facbook.
Từ những hình ảnh của chủ cửa hàng số 15 Thiên Lôi thường xuyên chia sẻ trên nhật ký zalo, cả hình ảnh xác thực về hoạt động mua bán mật gấu và những mặt hàng cấm thì có thể xác minh tại của hàng này có xảy ra tình trạng mua bán và tàng trữ nhiều loại hàng cấm về động vật như da, lông, móng vuốt, mật hay sản phẩm nấu thành cao.
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng vào Công ước quốc tế và Điều 190, Bộ luật Hình sự, quy định rõ về hành vi săn bắn, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang, dã quý hiếm bị cấm theo quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm sẽ bị phạt từ 50 triệu đến 300 triệu và cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Hơn thế nữa, tại địa chỉ số 15 Thiên Lôi này không hề có thông tin hay giấy xác nhận của cơ quan y tế về việc được phép bắt mạch thăm khám, chữa bệnh cho chủ quán Đức Hưng Đường, nhưng từ việc đưa hình ảnh trích xuất camera của cửa hàng cho thấy hoạt động này thường xuyên diễn ra.
Đây chính là cách “treo đầu dê bán thịt chó” nhiều hoạt động buôn bán tại cửa hàng để tránh sự kiểm tra và xử lý của cơ quan chức năng. Lợi dụng điểm kinh doanh buôn bán thông thường để tư vấn, môi giới khách hàng mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm cấm về động vật hoang dã. Tại đây còn có hiện tượng buôn bán các sản phẩm về động vật honag dã xuyên quốc gia (từ việc nhập hàng bên Lào, Nga, rồi nơi trung chuyển là Việt Nam sau đó lại được xuất đi Nhật Bản) theo lời chủ cửa hàng chia sẻ. Đây phải gọi là buôn hành vi buôn bán có tổ chức, có hệ thống.
Điều lạ là các mặt hàng cấm này tại sao lại được nhập vào Việt Nam mà không bị phát hiện bởi cơ quan chức năng nào? Từ Nga về Việt Nam có thực sự gần và không có trạm, chốt kiểm soát? Rồi hoạt động buôn bán này đã diễn ra khá lâu, đến cả loại sản phẩm quảng cáo là sâm tố nữ “được phó chủ tịch thành phố dùng” khi chưa được cấp chứng nhận, cấp phép hay công nhận từ ngành y tế cũng đã được chào bán. Từ bác sĩ đến giáo viên đều dùng sản phẩm tại cơ sở mang tên Đức Hưng Đường (theo lời chủ quán) lại không ai có câu hỏi đặt ra về nguồn gốc mặt hàng, chất lượng sản phẩm ra sao, khi đây toàn là đối tượng trí thức có hiểu biết.
Đề nghị các cơ quan chức năng gồm: Công an, y tế, thông tin và truyền thông vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã tại cơ sở bán hàng số 15 Thiên Lôi này.
Thương hiệu & Công luận và người tiêu dùng Hải Phòng yêu cầu Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng có ý kiến về tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, không tem nhãn, thông tin đơn vị nhập khẩu hay phân phối và không có giá niêm yết đối với các sản phẩm nhập khẩu Đức Hưng Đường số 15 đường Thiên Lôi. Đề nghị UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo xác minh việc công khai buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Đề nghị thanh tra y tế Hải Phòng vào cuộc kiểm tra chất lượng, công dụng và thành phần các loại thuốc “tự chế” của cơ sở buôn bán “trá hình” mang tên Đức Hưng Đường, số 15 đường Thiên Lôi.
Nhóm PV
(Còn nữa)