Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang đầu tư xây dựng các cảng cá chuyên dụng, một số cảng tổng hợp là nơi neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá, như: Cảng tàu Cô Tô (huyện Cô Tô); cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Hằng năm, cảng cá Cái Rồng và cảng Cô Tô có khoảng 2.200 tàu thuyền neo đậu và ra vào cảng. Nhu cầu bốc xếp hàng hoá thuỷ sản tại 2 cảng là 300 lượt tàu/ngày, công suất bốc xếp khoảng 25.000 tấn/năm.

Điều đáng nói, mặc dù là thành phố trọng điểm về du lịch và có số lượng tàu thuyền lớn nhưng TP Hạ Long vẫn chưa có cảng cá chuyên dụng kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. Trong khi cảng cá là một "mắt xích" quan trọng trong chuỗi sản xuất của ngành khai thác thủy sản, là căn cứ dịch vụ hậu cần - nơi tàu cá cập cảng bốc, dỡ hàng hóa; mua bán thương mại (thu mua, chế biến thủy sản); cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá (cơ khí đóng sửa tàu thuyền, cung cấp xăng dầu nước đá và vật tư ngư lưới cụ).

Phối cảnh dự kiến Cảng cá Hòn Gai kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá tại phường Hà Phong (TP Hạ Long).
Phối cảnh dự kiến Cảng cá Hòn Gai kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá tại phường Hà Phong (TP Hạ Long).

Ngoài chức năng cảng vụ, cảng cá còn là nơi cung cấp thông tin thời tiết, ngư trường và thị trường nghề cá, tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an ninh chủ quyền biển đảo. Để ngư dân yên tâm bám biển lâu dài thì những dịch vụ hậu cần (xăng dầu, nước ngọt, lương thực…) phải được cung cấp tại chỗ để có điểm tránh trú an toàn mỗi khi có bão hoặc tàu thuyền gặp nạn.

Nhiều năm nay, ngư dân chủ yếu đưa tàu vào neo đậu tại khu vực Cảng Cái Xà Cong. Đây là nơi kín gió, thuận tiện cho ngư dân đưa tàu thuyền vào tránh trú bão do được che chắn bởi những dãy núi bao quanh. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay công trình xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu của người dân, luồng lạch dẫn vào khu vực neo đậu tàu thuyền tại cảng bị bồi lắng gây khó khăn cho ngư dân trong di chuyển phương tiện thủy ra vào cảng. Qua kết quả đo đạc cho thấy, cao độ lòng dẫn khoảng -0,5m đến +0,5m, không đảm bảo chiều sâu lòng dẫn phục vụ tàu thuyền.

Luồng lạch tại cảng Cái Xà Cong bị bồi lắng gây khó khăn cho ngư dân trong di chuyển phương tiện thủy ra vào cảng.
Luồng lạch tại cảng Cái Xà Cong bị bồi lắng gây khó khăn cho ngư dân trong di chuyển phương tiện thủy ra vào cảng.

Không chỉ bị bồi lắng, khu vực Cảng Cái Xà Cong do được xây dựng từ lâu nên nay xuống cấp trầm trọng, hoạt động hậu cần nghề cá đang là tự phát, chưa đầu tư đồng bộ. Tuyến đường hiện trạng kết nối đường Trần Quốc Nghiễn vào cảng Cái Xà Cong chỉ là tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài tuyến khoảng 860m, bề rộng mặt đường khoảng 7m, kết cấu bê tông xi măng, không đảm bảo đồng bộ.

Xác định việc xây dựng cảng cá tại phường Hà Phong là cấp thiết nhằm ổn định cuộc sống ngư dân, thúc đẩy hoạt động nghề biển và kết hợp phát triển du lịch làng chài ngay tại nơi họ sinh sống, ngay sau cơn bão số 3, TP Hạ Long đã yêu cầu các phòng, ban chức năng xây dựng, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Cảng cá Hòn Gai kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và khu hậu cần nghề cá. Theo đó, cụ thể hoá quy hoạch chung và quy hoạch phân khu của thành phố đã được phê duyệt, dự án sẽ tiến hành nạo vét khơi thông dòng chảy suối khe cá khu vực hạ lưu suối và khu neo đậu tàu thuyền Cái Xà Cong; xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh cho khoảng 600 tàu; xây mới khu hậu cần nghề cá; bảo tàng làng chài cổ; nhà chờ cho du khách tham quan và thủ thủy tàu; bãi đỗ xe; hệ thống đường giao thông... Tổng kinh phí dự kiến khoảng 600 tỷ đồng. Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố đang trình thẩm định quy hoạch chi tiết 1/500. Dự kiến, trong tháng 11/2024 này, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan để triển khai các bước tiếp theo.

Trần Trang (t/h)