Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, bắt đầu từ ngày 15/02, Thông tư số 44/2023 của Bộ Giao thông vận tải (hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018) chính thức có hiệu lực.

Thông tư trên sẽ hướng dẫn chi tiết các nội dung quản lý trung tâm đăng kiểm được phân cấp cho Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố (trước đây do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện).

Theo đó, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thực hiện: Tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có quyền thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định.

Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thông báo kết quả thực hiện các nội dung nêu trên đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe giới; danh sách đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông vận tải địa phương.

Sở Giao thông vận tải các địa phương có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra đột xuất hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm trong 03 trường hợp: Khi có phản ánh, khiếu nại có cơ sở về vi phạm trong hoạt động kiểm định; có văn bản yêu cầu của các cơ quan chức năng; hoặc khi phát hiện có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kiểm định (thông qua hệ thống giám sát, phân tích cơ sở dữ liệu kiểm định).

Nguyễn Kiên