Số liệu của Cục thống kê Hải Dương cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất công nghiệp của tháng này là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao (+17,3%) so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản xuất và phân phối điện sụt giảm (-4,6%) do mùa mưa lũ đến sớm nên ưu tiên phát điện từ các nhà máy thủy điện.

Một số sản phẩm công nghiệp có lượng sản xuất trong tháng tăng cao như: Thức ăn gia súc +12,3%; vải dệt kim +33,2%; quần áo người lớn +10,6%; giày dép thể thao +12,6%; than cốc +16,5%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên +100,2%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Dương bằng 114,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn, có chỉ số tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành.

Cụ thể, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 11,4%, tác động làm chỉ số chung tăng 2,9 điểm%;

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngành sản xuất xe có động cơ (chủ yếu là sản xuất phụ tùng ô tô) tăng 13,4%, tác động làm chỉ số chung tăng 3,5 điểm%. Thời gian gần đây, nhu cầu mua xe ô tô của các cá nhân, hộ gia đình ngày càng tăng cao, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận phụ trợ;

Nhóm ngành dệt, may mặc tăng lần lượt 32,2% và 13,3%, tác động làm chỉ số chung tăng 1,2 điểm%. Từ đầu năm đến nay, sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới đang dần được cải thiện, cùng với sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may ký được đơn hàng đến hết quý III/2024, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng như dự án Tinh Lợi 3, Công ty TNHH Best Pacific, Công ty TNHH Quốc tế Ngân Tường… cũng góp phần tăng sản lượng của ngành;

Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm (sản phẩm chính là thức ăn chăn nuôi) tăng 11,9%, tác động làm chỉ số chung tăng 0,7 điểm%. Quy mô đàn vật nuôi tăng trưởng ổn định, đồng thời giá thành nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương hạ nhiệt so với thời kỳ đỉnh điểm là những yếu tố góp phần cho sự tăng trưởng của ngành;

Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 43,6%, làm chỉ số chung tăng 1,4 điểm%, trong đó sản phẩm máy phát điện 7 tháng đầu năm tăng 160,7%. Bên cạnh việc các thị trường xuất khẩu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự phục hồi, nhu cầu đối với các thiết bị điện gia dụng có xu hướng tăng. Ngoài ra, sự phát triển mạnh về hạ tầng cơ sở, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện phát triển;

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,1% làm chỉ số chung toàn ngành công nghiệp tăng 1,4 điểm%. Mức tăng cao này được “tích lũy” từ 6 tháng đầu năm, vì tháng 7 sản lượng điện giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước do mùa mưa lũ về sớm trái ngược với tình trạng thiếu hụt nước của năm trước, dẫn đến lượng nước tại các hồ thủy điện dư thừa (một số hồ phải xả lũ), các nhà máy thủy điện được ưu tiên phát tối đa công suất nên nhiệt điện giảm.

Bên cạnh đó, cũng một số ngành gặp khó khăn do nhu cầu thị trường phục hồi chậm, sản lượng sản xuất so với cùng kỳ không cao, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.

Cụ thể, ngành sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, gạch ngói), giảm 6,3%, làm chỉ số chung giảm 0,2 điểm%. Những tín hiệu phục hồi cho thị trường vật liệu xây dựng còn khá mờ nhạt do thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn và phục hồi chậm; trong khi đó, nguồn cung dư thừa, một số doanh nghiệp phải ngừng lò, giảm công suất và cắt giảm lao động;

Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị, sản lượng 7 tháng đầu năm giảm 2,2%, làm chỉ số chung giảm 0,01 điểm%. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sau thời gian chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu vốn, thiếu công nghệ nên giảm qui mô sản xuất.

Thuỳ An