Hiện nay, việc triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn gặp một số khó khăn cần sớm được giải quyết, tháo gỡ. Theo các chủ đầu tư, vấn đề cần được tháo gỡ nhất đó là giải phóng mặt bằng và hạ tầng cấp điện, nước sạch, nước thải…
Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề xuất tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp.
Việc triển khai giải phóng mặt bằng phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm đếm, xem xét phương án bồi thường phải bảo đảm quyền lợi của người dân ở mức cao nhất theo quy định hiện hành. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức chấp hành giao đất vì mục tiêu chung. Trường hợp thực hiện đầy đủ các bước mà người dân vẫn không chấp hành thì triển khai phương án cưỡng chế kiểm đếm, thu hồi đất.
Đối với khu công nghiệp nằm trong quy hoạch, đã bố trí chỉ tiêu đất đai trong giai đoạn 2026-2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và UBND cấp huyện chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhiệm vụ, đồ án quy hoạch để triển khai đầu tư xây dựng. Đối với những khó khăn, vướng mắc của từng khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổng hợp, báo cáo, đề xuất phương án tháo gỡ cụ thể để tỉnh xem xét, giải quyết.
Trước đó, tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 là 32 khu công nghiệp với tổng diện tích 5.661 ha. Đến nay, tỉnh đã thành lập 17 khu công nghiệp với quy mô 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 57%. 12 khu công nghiệp đang vận hành, khai thác kinh doanh, thu hút 394 dự án thứ cấp. 6 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công hạ tầng kỹ thuật.
Bùi Tú