THCL Đánh vào tâm lý ham rẻ, thích được giảm giá của người mua, hiện nay, các đầu nậu sách vẫn đang ngang nhiên hoành hành, tạo ra một mê hồn trận sách in giả, in lậu.
Nghịch lý “người ngay sợ kẻ gian”
Tại đường Láng, đường Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn… những tuyến đường lâu nay vốn được coi là “thủ phủ” của sách lậu tại Thủ đô. Tuy nhiên, điều đáng buồn là đến nay vẫn không bị lực lượng chức năng xử lý triệt để, khiến các đơn vị phát hành lao đao, những nhà sản xuất chân chính điêu đứng, còn độc giả, người tiêu dùng thì bị móc túi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo thống kê của các đơn vị phát hành sách, thông thường, một cuốn sách có bản quyền đến được tay độc giả, các đơn vị phát hành sẽ phải gánh rất nhiều chi phí, như: Bản thảo (bao gồm chi phí cho việc dịch; hiệu đính; biên tập; chế bản ruột; thiết kế bìa) 20%; in ấn 35%; bản quyền 18%; phí quản lý nội bộ của đơn vị làm sách 23%; cuối cùng là giấy phép xuất bản và PR-Marketing 4%.
Với trường hợp một cuốn sách có bản quyền dày khoảng 300 trang, giá bìa 100.000 đồng, trung bình được in ra 2.000 bản 1 lần, sau tất cả các chi phí trên, cộng khoản chiết khấu khá cao khi phân phối đến các nhà sách, thì mức lãi thu về chỉ được khoảng 6% giá bìa. Điều này đồng nghĩa với việc in 2.000 bản sách với cả một quy trình phức tạp, công phu, thì lãi thu về chỉ khoảng 11 triệu đồng.
Bà Hà Thị Kim Ngân, Công ty Alpha Books cho biết: “Thông thường ở lần in đầu với 2.000 bản, nếu bán được hết cũng chỉ hòa vốn, chúng tôi chỉ có được lợi nhuận từ lần tái bản. Tuy nhiên, với tình trạng sách lậu hoành hành như hiện nay, có những cuốn sách còn chưa kịp có cơ hội để tái bản, đã lập tức bị làm giả…”.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia ngành in nhận định: Các cơ sở in lậu chỉ mất duy nhất chi phí in. Để in 2.000 cuốn sách 300 trang, tối đa cũng chỉ mất 10% giá bìa. Tức là, nếu giá bìa 100.000 đồng thì quyển sách giả chỉ mất giá thực in là 10.000 đồng (chỉ là 1/10 so với sách thật).
Do lợi nhuận là vô cùng lớn nên các địa điểm buôn bán sách giả, sách lậu cứ mặc sức chiết khấu, giảm giá các kiểu cho người mua. Bởi, nếu có giảm tới một nửa giá bìa, thì các đầu nậu vẫn ung dung thu lãi khoảng 40% giá bìa. Với 2.000 bản sách in lậu, gian thương sẽ lãi khoảng 80 triệu đồng. Con số này nếu nhân lên với hàng chục, hàng trăm đầu sách bị làm lậu, làm giả, thì con số lợi nhuận là vô cùng khổng lồ. Đây là lý do khiến nghịch lý “người ngay sợ kẻ gian” đã tồn tại trên thị trường xuất bản nhiều năm qua.
“Lỗ hổng” nằm ở đâu?
Khi mà hoạt động in ấn, xuất bản luôn được Nhà nước quản lý vô cùng chặt chẽ nhằm xóa bỏ triệt để việc in tiền giả, tài liệu phi pháp… thì hàng nghìn, hàng triệu những bản sách lậu đang trôi nổi trên thị trường, từ đâu mà ra?
Hơn nữa, theo các chuyên gia về in ấn, bất kỳ loại máy in nào cũng có một bảng đếm, cơ chế của bảng đếm này hoạt động tương tự như máy đo công tơ mét trên xe máy hay đồng hồ tính cước taxi. Những bảng đếm có thể đếm chính xác từng tờ giấy in khi chạy qua máy. Do vậy, có thể nói, hàng trăm, hàng nghìn bản sách lậu, sách giả khi ra đời sẽ phải được hiển thị trong bộ đếm của một số máy in nào đó. Chỉ cần nhìn vào là biết, trừ khi có người cố tình điều chỉnh bảng số, hoặc nhắm mắt làm ngơ.
Theo ông Vương Quốc Cường, Quản lý in ấn, Công ty Alpha Books: “Thông thường, một công ty sách phải có một người giám sát để theo dõi số lượng in, cũng như chất lượng in. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra về số lượng và thủ tục in, do vậy rất hiếm khi xảy ra trường hợp nhà in nối bản”.
In lậu là một chuyện, nhưng các đối tượng này lại có thể in tới hàng trăm, hàng nghìn bản giống y như sách thật - chắc chắn phải sử dụng đến những thiết bị hiện đại như các nhà in lớn. Vậy, vì sao những cơ sở in sách lậu lại có được những cỗ máy in hiện đại như thế này?
Theo quy định, để được nhập khẩu về nội địa, các cỗ máy in này phải có giấy phép nhập khẩu do Cục Xuất bản in và Phát hành cấp, trong đó phải ghi rõ moden, số seri máy và hình chụp từ Ca-ta-lo của từng thiết bị. Nghĩa là, một chiếc máy in được quản lý chặt chẽ từ số khung, số máy, không khác gì một chiếc ô tô nhập khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành in ấn cho rằng: Có rất nhiều cách để “tàng hình” hoặc “xóa sổ” một chiếc máy in trong danh mục quản lý. Cụ thể như, họ có thể hoán cải, trao đổi, lắp ghép một số bộ phận để “biến” thành một chiếc máy khác, sau đó sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu. Và cách dễ nhất là thanh lý như phế liệu.
Vì vậy, ngoài khâu kiểm tra, giám sát, cấp phép in ấn, phát hành chưa chặt trẽ; mức xử phạt đối với những hành vi buôn bán sách giả, sách lậu chưa đủ mạnh, công tác quản lý máy móc in ấn - cái nôi sản sinh ra sách giả, sách lậu vẫn còn quá nhiều lỗ hổng.
Tuấn Ngọc