Thương hiệu & Công luận nhận được đơn thư kêu cứu của gia đình bà Nguyễn Thị Nhiên, trú tại số 114 phố Nguyễn Du (Hai Bà Trưng , Hà Nội).

Theo đơn phản ánh của bà Nhiên thì, từ khi công trình số 116+118 phố Nguyễn Du triển khai thi công xây dựng, căn nhà của bà đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang, dọc từ tầng 1 - 4; không những thế, phần tường tiếp giáp với công trình xây dựng đã bị thấm nước nghiêm trọng, mấy hôm nay mưa bão, lượng nước đổ vào nhà nhiều hơn, gây hư hỏng nhiều đồ đạc trong nhà.

Phường Nguyễn Du, Hà Nội: Công trình xây dựng gây nứt nhà dân - Hình 1

Người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị, nhưng công trình số 116+118 Nguyễn Du vẫn được thi công

Bà Nhiên cho biết: Từ khi xuất hiện vết nứt, gia đình tôi đã làm đơn kiến nghị lên UBND phường Nguyễn Du, nhưng sau đó cũng chỉ được phường mời ra lập biên bản hòa giải giữa hai bên và công trình vẫn được tiếp tục thi công.

Công trình số 116+118 phố Nguyễn Du, do Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Ngọc Diệp làm chủ đầu tư. Hiện nay, tại khu vực này xuất hiện 2 khối công trình: Phía sau công trình số 116+118 phố Nguyễn Du là tòa nhà được xây dựng đến tầng 9; còn công trình 116+118 phố Nguyễn Du hiện đã xây dựng đến tầng 7. Hai khối công trình này, chỉ cách nhau khoảng 1 m, phía dưới là cống thoát nước chung của cả dãy. 

Trước sự việc thi công gây lún nứt nhà số 114 Nguyễn Du, ngày 13/6/2017, UBND phường Nguyễn Du đã lập biên bản giữa hai bên, do ông Trần Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND phường chủ trì.

Theo đó, biên bản làm việc nêu rõ: Công ty Ngọc Diệp đã thuê đơn vị là Viện Khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng thẩm định, đánh giá mức độ hư hại nhà số 114 Nguyễn Du. Hộ gia đình bà Nhiên ở số 114 Nguyễn Du và Công ty Ngọc Diệp thống nhất đồng ý để thuê đơn vị tư vấn. Hộ gia đình bà Nhiên mời một Công ty kiểm định độc lập, đánh giá mức độ hư hại của nhà bà Nhiên, làm cơ sở để Công ty Ngọc Diệp trả chi phí từ khâu thẩm định. Nếu kết quả thẩm định được hai bên thống nhất thì toàn bộ chi phí sửa chữa, Công ty Ngọc Diệp trả. 

Được biết, liên quan đến  nội dung thẩm định và kết quả thẩm định của hai bên đưa ra, đều chưa nhận được sự đồng thuận lẫn nhau, do đó đến nay công tác đền bù, hỗ trợ giữa Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Ngọc Diệp vẫn chưa được thực hiện.

Phường Nguyễn Du, Hà Nội: Công trình xây dựng gây nứt nhà dân - Hình 2

Hai khối nhà được làm sắt chờ sẵn

Cũng theo thông tin từ bà Nguyễn Thị Nhiên: Trong quá trình thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập, tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND phường, đề nghị lập biên bản hiện trạng, ban hành quyết định tạm đình chỉ thi công công trình xây dựng. Ngoài ra, chúng tôi nghi ngờ công trình còn xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp, nhưng không hiểu vì lý do gì công trình vẫn được tiếp tục thi công xây dựng?

Bà Nguyễn Thị Nhiên cũng cho biết: Không chỉ có gửi đơn kiến nghị về việc bị lún nứt nhà, mà chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với UBND phường về phần ban công nhà tôi liên tục bị gạch đá, xi măng bắn sang, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình tôi. Bên cạnh đó, hiện nay phần cống thoát nước chung cũng bị công trình làm lấn chiếm khoảng không, nhiều dấu hiệu cho thấy, chủ đầu tư sẽ lấn chiếm khoảng không này để thông 2 khối nhà với nhau. Chúng tôi để nghị các cấp chính quyền cho kiểm tra và làm rõ việc thi công xây dựng đối với 2 tòa nhà này. 

Phường Nguyễn Du, Hà Nội: Công trình xây dựng gây nứt nhà dân - Hình 3

Tại căn nhà số 114 Nguyễn Du bị thấm dột nghiêm trọng, chủ nhà đã phải mang chậu hứng nước mưa 

Tại Điều 15 - Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử phạt vi phạm trật tự xây dựng đô thị nêu rõ: Điều 15 xử lý công trình xây dựng ảnh hường đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư.

Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận, thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; trường hợp các bên không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án; công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

Trường hợp công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường khu vực lân cận, để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng; chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải có biện pháp khắc phục hậu quả; việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.

Phường Nguyễn Du, Hà Nội: Công trình xây dựng gây nứt nhà dân - Hình 4

Nhiều vị trí trong căn nhà bị nứt

Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều này, phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 - Điều 12 của nghị định này, cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Cũng tại điểm b khoản 1 - Điều 12 đã quy định rõ: Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị. 

Bên cạnh đó, tại Điều 627 - Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, như sau: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.

Về mức độ bồi thường thiệt hại: Mức độ bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra; cụ thể gồm mức thiệt hại thực tế đối với công trình lân cận bị hư hỏng và các chi phí khác có liên quan.

Các bên có thể tự xác định mức thiệt hại của công trình liền kề nếu không tự xác định được mức độ thiệt hại thì một trong hai bên có thể thuê cơ quan định giá để xác định mức thiệt hại cụ thể để làm căn cứ bồi thường. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại, hoặc có thể làm đơn gửi đến tòa án nhân dân quận, huyện để yêu cầu bồi thường.

Mặc dù quy định đã rõ, nhưng không hiểu vi sao công trình xây dựng số 116+118 phố Nguyễn Du vẫn tiếp tục hoàn thiện;Trong khi đó, công trình bị ảnh hưởng đang hàng ngày phải “mỏi mòn” chờ đợi “đền bù” của chủ đầu tư công trình xây dựng?

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

PV