Những kiến nghị thẳng thắn từ doanh nghiệp - Hình 1

Nhiều kiến nghị thẳng thắn, mang tính xây dựng, được cộng đồng doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng (Ảnh: chinhphu.vn)

6 vấn đề với ngành chăn nuôi

Đề cập tới nhiều vấn đề nổi cộm của ngành chăn nuôi trong thời gian gần đây, ông Phạm Văn Sơn, Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMG kiến nghị tới Chính phủ 6 vấn đề:

Thứ nhất, Chính phủ họp để tìm cách tháo gỡ cho các hộ chăn nuôi, các DN sản xuất kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, các đại lý phân phối, hộ kinh doanh, nông dân bằng cách khoanh nợ, gia hạn nợ cho các hộ nông dân. Bởi một số hộ đã tìm đến đường cùng bằng việc tự tử vì lỗ vốn quá nhiều trong chăn nuôi, không còn khả năng trả nợ. Hỗ trợ lãi suất cho DN, hộ kinh doanh, chủ trang trại theo các gói hàng trăm nghìn tỷ đồng để được vay vượt qua thời gian khó khăn này.

Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, Bộ Công Thương, VCCI vào cuộc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm của hộ chăn nuôi tiến đến xuất khẩu thực phẩm.

Thứ ba, huy động các DN lớn trong nước thu mua, chế biến các sản phẩm từ thịt, trứng để làm thực phẩm thức ăn nhanh giống như KFC, dăm bông, ruốc, xúc xích đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp. Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, có thể xây dựng thương hiệu quốc gia vì có gần 70% dân số làm nông nghiệp, xây dựng Việt Nam là điểm đến của khách du lịch quốc tế, làm bếp ăn của thế giới, là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư...

Thứ tư, xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, sắn, dược liệu, nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thú y..., giảm thiểu nhập khẩu. Bởi tính riêng các mặt hàng trên, Việt Nam đang nhập khẩu gần 6 tỷ USD/năm trong khi diện tích đất đồi núi lớn, đất trống còn nhiều, bờ biển dài, thuận lợi trong phát triển và xuất khẩu thủy sản. Chính phủ nên dành nguồn kinh phí cho các dự án khả thi trên, đây là lợi thế của Việt Nam, đặc biệt Chính phủ nên lập các dự án mang tầm cỡ quốc gia cho các DN kết hợp với các trường ĐH Nông nghiệp đảm nhận.

Thứ năm, có chính sách quy hoạch chăn nuôi cấp phép kiểm soát chất lượng đầu vào-đầu ra của người trồng lúa, ngô, đậu, sắn, rau củ quả... của Việt Nam tránh tình trạng nguyên liệu ngô có thuốc trừ cỏ, sắn bị mốc, lúa nhiễm kim loại nặng, tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Kiểm soát và xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia hướng đến thực phẩm siêu sạch, bảo vệ sức khỏe con người Việt Nam, hướng đến xuất khẩu ra thế giới.

Thứ sáu, hỗ trợ vay vốn và giao đất thời gian dài cho những người làm trang trại vì hiện nay những người làm trang trại được vay vốn rất ít và chỉ được giao trong thời gian ngắn nên dù nhiều DN lớn muốn dầu tư vào ngành chăn nuôi nhưng sợ rủi ro nên họ không đầu tư.

Bình đẳng công - tư

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đưa ra quan điểm rất thẳng thắn: “Cần tăng cường đội ngũ cán bộ công chức viên chức, trước hết là công tác tổ chức cán bộ. Có thể nói là bây giờ đang thừa, phải có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi “bói chữ” nhiều hơn là làm. Do vậy, tôi đề nghị tránh việc “mua quan bán chức”, mới chọn được người tài, người có năng lực theo tinh thần của Thủ tướng đã nêu.

Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ rất có hiệu lực. Nhưng trong thực tế, chúng tôi nhìn nhận là không nên cho phép xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công, vì hậu quả là trong tương lai đây chính là vấn đề tham nhũng, chia chác, gây thất thoát cho nguồn lực của Nhà nước. Nếu mỗi một tỉnh có một bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ “bóp chết” hàng chục bệnh viện tư khác. Thay mặt Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, chúng tôi đề nghị Chính phủ nên sửa đổi và nên có chính sách khuyến khích nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này để chia sẻ quá tải cho bệnh viện Nhà nước.

Tôi thống nhất cao quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 5. Khi Nhà nước khó khăn, cái gì doanh nghiệp đầu tư được thì Nhà nước thôi. Cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Tôi lấy ví dụ, có nhiều bệnh viện tư, tư nhân đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho làm. Chính phủ nên chỉ đạo sát sao vấn đề này và bây giờ đang ‘nở như hoa” ở rất nhiều tỉnh, thành phố. Đây là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Tiếp theo, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam nên có sự thống nhất về quy trình khám chữa bệnh, công hay tư đều là khám chữa bệnh cho nhân dân. Nguồn nhân lực y tế đang hết sức khó khăn, nhưng BHXH Việt Nam căn cứ một số quy định của Bộ Y tế từ 60-70 bệnh nhân trên một bàn khám, bây giờ chỉ cho phép 35 bệnh nhân trên một bàn khám. Nếu quy định thế này tư nhân không chết mà bệnh viện công sẽ chết. Bệnh viện công nói rằng đây là nhiệm vụ chính trị còn tư nhân là kinh doanh. Tôi đề nghị công hay tư phải bình đẳng, khi áp dụng chính sách pháp luật phải bình đẳng.

Khám chữa bệnh cho người nghèo, trước đây bệnh viên tư nhân được khám chữa bệnh cho người nghèo rất suôn sẻ, hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi Chính phủ có chính sách cho người nghèo tiền ăn, đi lại thì lại có chính sách chuyển vấn đề này cho bệnh viện công, khi bệnh viện công đang quá tải và viện dẫn đây là nhiệm vụ chính trị. Có là nhiệm vụ chính trị thì tư nhân cũng làm được, chia sẻ với Nhà nước.

Trước đây, bệnh viện tư chúng tôi kiểm soát bệnh án khám bệnh cho người dị tật, dị dạng do chất độc da cam nhưng nay lại ra thông tư không cho bệnh viện tư thực hiện, nếu khám chữa bệnh ở bệnh viện tư thì lại ra chỗ khác để xin chứng nhận giám định. Đây là bất hợp lý.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT rất bất cập, đề nghị Chính phủ kiến nghị nghị Quốc hội sửa, bởi đến năm 2021 mới được thông tuyến khám chữa bệnh tuyến tỉnh. Trước đây bệnh viện tư nhân không có bệnh nhân, thì bảo bệnh viên tư năng lực yếu, bệnh nhân không đến. Nay thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, bệnh nhân đến bệnh viện tư nhiều, giá thanh toán tăng lên thì lại đẩy bệnh viện tư lên bệnh viện hạng hai để tránh thông tuyến. Việc thông tuyến nên bình đẳng, đề nghị Quốc hội sửa sớm để tạo công bằng cho xã hội, không phải là thuận thì để cho bệnh viện công, khó thì đẩy cho bệnh viện tư.

Cuối cùng là bình đẳng trong hiệp hội. Tất cả các hiệp hội đều có DNNVV. Khi chính sách ban hành, hiệp hội nào có DNNVV thì có trách nhiệm triển khai và thụ hưởng.

Tôi mong muốn Nghị quyết 35/NQ-CP phải thành công hơn nữa. Phải phát huy Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị, nhưng hiệu quả vẫn còn chưa đáp ứng. Ví dụ, tại Hải Phòng, chính quyền động viên DN bỏ 50 tỷ để xây dựng bến xe, sau khi đầu tư xong thì không cho. Đề nghị đưa Nghị quyết 04 vào thực hiện thí điểm tại Hải Phòng.

Giải quyết vướng mắc chính sách đất đai

Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty KOSY phản ánh: Cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận để nhận chuyển quyền sử dụng đất là phù hợp với lòng dân, hạn chế khiếu kiện nhưng khó để có thể đạt được thỏa thuận 100% , được hết toàn bộ đất đai của dự án.

Một thiểu số đang sử dụng yêu cầu giá đất rất cao, nhà đầu tư không thể thỏa thuận được, giải phóng mặt bằng bị thua lỗ và dự án không thể triển khai được. Rất nhiều nhà đầu tư lâm vào tình trạng rất khó khăn, trao tiền phần đất đai đã được thỏa thuận mà không có cách để giải quyết nốt phần đất đai còn lại khi được thỏa thuận mặc dù đó là thiểu số, là rất ít.

Để tháo gỡ những tồn tại này, ông Cường kiến nghị, đối với những dự án giải phóng mặt bằng theo cơ chế tự thỏa thuận, nên đưa ra quy định nhà đầu tư thỏa thuận được tối thiểu 70%, Nhà nước quyết định có 2 phương thức: Phương thức thứ nhất là Nhà nước quyết định thu hồi đất với các trường hợp không đồng ý thỏa thuận này; phương thức thứ hai là nhà đầu tư được khởi kiện ra tòa, tòa sẽ quyết định mức giá bồi thường và tổ chức thi hành án.

Ý kiến thứ hai, về thời điểm xác định tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước. Công tác triển khai đấu thầu dự án sử dụng đất có chỗ còn bất cập lớn về xác định giá đất. Dự án được đưa ra đấu thầu nhưng giá đất chưa được xác định, sau khi trúng thầu, dự án nhà đầu tư triển khai thực hiện nhiều bước của quy trình đầu tư xây dựng dự án mà vẫn không biết chính xác tiền sử dụng đất nộp cho Nhà nước là bao nhiêu.

Giá đất chưa được xác định nhà đầu tư không thể biết chính xác hiệu quả của dự án ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư. Do vậy, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, việc đấu thầu dự án có sử dụng đất thì giá đất và việc sử dụng đất phải được xác định từ trước khi đấu thầu dự án. Giá đất là một yếu tố trong gói thầu; không thể đấu thầu dự án mà không có giá đất hoặc giá đất khi đấu thầu dự án chỉ là một con số tượng trưng như hiện nay.

Ý kiến thứ ba là thu hồi dự án khi chậm tiến độ, hết hạn sử dụng. Hiện nay Nhà nước thu hồi đất kèm theo mọi tài sản nhà đầu tư đã đầu tư trên đất đối với các dự án chậm tiến độ trên đất phải sử dụng. Cơ chế thu hồi trắng như vậy là một bất cập khi cả Hiến pháp và Luật Đầu tư đều quy định Nhà nước bảo hộ tài sản đã đầu tư của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất là vi phạm pháp luật đất đai, Nhà nước có thể phạt tiền, có thể thu hồi đất đã giao nhưng không thể tịch thu tài sản của nhà đầu tư đã đầu tư trên đất để trả tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư đã nộp cho Nhà nước.

Hơn nữa cơ chế thu hồi trắng tài sản của nhà đầu tư như vậy là trái với nội dung Nghị quyết số 19, Nghị quyết Trung ương ngày 31/10/2012 thông qua Hội nghị Trung ương 6 khóa XI là Nhà nước thực hiện chính sách thuế lũy tiến đối với các dự án đầu tư chậm hoặ bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật.

Do vậy, kiến nghị với Thủ tướng nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng xử lý đối với các dự án chậm tiến độ sử đụng đất bằng cách đóng thuế lũy tiến như nội dung Nghị quyết 19 hoặc có thể phạt nhà đầu tư bằng tiền để buộc nhà đầu tư tự quyết định, hoặc tìm cách tập trung đầu tư, hoặc tìm nhà đầu tư khác để liên doanh, hoặc tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà không cần Nhà nước phải can thiệp.

Thái Bình