THCL - Biểu đồ về nền kinh tế Mỹ trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, theo trang CNN Money…

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 1Thất nghiệp
Ông Obama nhậm chức vào ngày 20/1/2009, giữa lúc kinh tế Mỹ đang suy thoái sâu hậu khủng hoảng tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này khi đó tăng vọt do các công ty ồ ạt sa thải nhân công.
Tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt đỉnh 10,3%, mức cao nhất trong 26 năm.

Vào cuối nhiệm kỳ của ông Obama, các công ty ở Mỹ tích cực tuyển nhân công và tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,7% - một dấu hiệu của nền kinh tế khỏe mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động lại ở mức thấp nhất từ cuối năm 1970. Lý do chính nằm ở chỗ những người thuộc thế hệ “baby boomer” (những người sinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ 1946 đến khoảng 1964) về hưu, cộng với một bộ phận dân số ngừng kiếm việc làm việc không thể tìm được việc.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 2Tăng trưởng việc làm

Dưới thời Obama, số lượng việc làm ở Mỹ có chuỗi 75 tháng tăng trưởng liên tiếp, một kỷ lục. Đây là một thành tích đáng nể, xét tới việc vào thời điểm ông nhậm chức, nước Mỹ đang mất mỗi tháng 800.000 công việc. 

Ông Obama và Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều biện pháp kích thích và cắt giảm thuế để khuyến khích các công ty tuyển dụng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có những biện pháp chưa từng có tiền lệ để vực dậy nền kinh tế.

Đến tháng 5/2014, cuối cùng Mỹ đã phục hồi lại toàn bộ 8,7 triệu công việc bị mất trong cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Năm 2014 và 2015 là hai năm mà số lượng việc làm ở Mỹ tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 1999.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 3Tăng trưởng GDP

Một trong những vấn đề kinh tế Mỹ bị chỉ trích nhiều nhất thời Obama là tăng trưởng diễn ra chậm chạp. Kinh tế Mỹ thường tăng trưởng trung bình 3% mỗi năm hoặc hơn. Tuy nhiên, dưới thời Obama, nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng bình quân hơn 2% mỗi năm.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 4Thu nhập bình quân hộ gia đình

Người Mỹ tiếp tục lo ngại về ví tiền của mình. Gần 3/5 người Mỹ được khảo sát trong một cuộc thăm dò gần đây nói họ “đôi khi” hoặc “thường xuyên” lo ngại về tình hình tài chính của bản thân.

Một phần của mối lo này xuất phát từ thực tế là thu nhập không tăng nhiều. Thu nhập trung bình của hộ gia đình ở Mỹ hiện ở mức 56.516 USD/năm, thấp hơn trước suy thoái. Thu nhập của tầng lớp trung lưu cuối cùng cũng tăng, nhưng chưa hồi phục hoàn toàn.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 5Thị trường chứng khoán

Vào ngày 3/3/2009, Tổng thống Obama nói có vẻ như chứng khoán Mỹ đang ở mức giá hấp dẫn để mua vào. Chưa đầy một tuần sau, vào ngày 9/3, thị trường Phố Wall chạm mức thấp nhất hậu khủng hoảng tài chính.

Kể từ đó, chứng khoán Mỹ liên tục tăng điểm mạnh trong suốt 8 năm. Chỉ số S&P 500 đã tăng được hơn 200%. Ông Obama có lẽ sẽ trở thành một trong những vị Tổng thống tốt nhất đối với chứng khoán Mỹ trong lịch sử hiện đại. 

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 6Tem phiếu thực phẩm

Một trong những dấu hiệu rõ nét nhất về tác động của suy thoái kinh tế là có tới gần 50 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 15% dân số, cần tem phiếu thực phẩm (food stamp).

Số người cần tem phiếu thực phẩm ở Mỹ đạt đỉnh vào năm 2013 và giảm nhẹ sau đó, nhưng vẫn ở mức cao và cao hơn nhiều so với khi Tổng thống Obama lên cầm quyền năm 2009. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế Mỹ chưa đến với tất cả mọi người dân nước này.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 7Ngành sản xuất

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump liên tục tuyên bố sẽ đưa ngành sản xuất của Mỹ tuyệt vời trở lại. Nhưng trên thực tế, ngành sản xuất ở Mỹ đã phát triển mạnh dưới thời Obama. Ngành này đã đạt được những mức đỉnh mới khi các nhà sản xuất xe hơi Mỹ phục hồi mạnh doanh số và hoạt động khai thác dầu đã phiến diễn ra bùng nổ, dẫn tới một cuộc cách mạng năng lượng tại Mỹ.

Sản lượng công nghiệp Mỹ hồi phục, nhưng việc làm của công nhân ngành này thì chưa. Số việc làm trong ngành sản xuất ở Mỹ đã giảm khoảng 100.000 công việc kể từ khi ông Obama lên cầm quyền, một phần do ngày càng có nhiều người máy (robot) được sử dụng.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 8Giá nhà

Cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ việc có quá nhiều ngôi nhà được bán cho những người không đủ khả năng để mua. Kể quả là ngành bất động sản của Mỹ đã chịu tác động nặng nề của suy thoái, và ngay cả những người đủ khả năng mua nhà cũng không thể vay thế chấp nhà.

Tuy nhiên, đã có những tia hy vọng khi ngày càng nhiều người Mỹ có việc làm và quay trở lại mua nhà. Giá bán trung bình của nhà đã qua sử dụng ở Mỹ hiện là 232.000 USD, theo Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR), cao hơn trước suy thoái.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 9Giá xăng

Giá xăng ở Mỹ thường xuyên biến động. Trong 2 nhiệm kỳ của ông Obama, giá bán lẻ xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ có lúc lên tới 4 USD/gallon vào năm 2011, từ mức 1,85 USD/gallon khi ông mới lên cầm quyền.

Từ cuối năm 2014, giá xăng ở Mỹ trở nên rẻ. Giá xăng trung bình tại Mỹ hiện dưới mức 2,4 USD/gallon. Nhiều người Mỹ giờ đây có thể tiết kiệm hàng trăm USD mỗi năm trong việc đổ xăng, nhờ đó có nhiều tiền hơn cho các khoản chi tiêu khác.

Nhìn lại kinh tế Mỹ thời Obama - Hình 10Nợ chính phủ

Quốc hội Mỹ và Tổng thống Obama đã chi nhiều tiền để kích cầu nền kinh tế trong và sau suy thoái. Vì vậy, tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt 19 nghìn tỷ USD, từ mức khoảng 10 nghìn tỷ USD khi ông Obama mới nhậm chức. Ông Obama đã nỗ lực để giảm thâm hụt ngân sách hàng năm trong suốt nhiệm kỳ, nhưng Chính phủ Mỹ rốt cục vẫn chi nhiều hơn thu.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ. Tỷ lệ này đã tăng mạnh dưới thời ông Obama, từ mức 50% vào lúc ông mới nhậm chức lên mức 77% hiện nay.

Theo An Huy - Vneconomy