Theo đó, Moscow cho biết, xuất khẩu dầu diesel sẽ được phục hồi trở lại miễn là các nhà sản xuất giữ lại 50% sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước. Động thái này đã gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường dầu diesel. Giá dầu diesel ở Châu Âu giảm hơn 3% xuống 837 USD/tấn, do những lo ngại về tình trạng thiếu hụt đã bớt.
Dầu thô Brent đã giảm trở lại mức 83 USD/thùng trong hai tuần qua, kéo theo giá dầu diesel cũng giảm. Nguyên nhân là các nhà giao dịch tập trung vào các mối đe dọa lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu và khả năng nhu cầu dầu chậm lại.
Dầu diesel là nhiên liệu chính của nền kinh tế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, vận tải biển và hàng không. Moscow chiếm hơn 13% nguồn cung dầu diesel toàn cầu trong năm nay. Các sản phẩm phái sinh của dầu diesel, chẳng hạn như dầu sưởi, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá trong mùa đông. Nhưng mặt hàng này cũng nhạy cảm với các dấu hiệu sản lượng công nghiệp chậm lại.
Nga đã giảm nguồn cung dầu thô như một phần của hiệp ước với OPEC+. Điều này đã giúp đẩy giá dầu lên cao hơn trong mùa hè. Giá dầu tăng được coi là có khả năng thúc đẩy lạm phát, điều mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiểm soát.
Moscow thông tin, nguồn cung dầu diesel và xăng trong nước thiếu hụt nên đã áp lệnh cấm xuất khẩu đối với hai mặt hàng này vào tháng Chín. Đồng thời, nước này cắt giảm số tiền trợ cấp cho các công ty dầu mỏ để bán nhiên liệu với giá triết khấu trong nước.
Lệnh cấm được một số nhà phân tích coi là cảnh báo đối với các công ty dầu mỏ của Nga đối với việc đảm bảo giá trong nước không tăng quá nhiều. Điện Kremlin cho biết đây là lệnh cấm “tạm thời” khi không đưa ra khung thời gian khi nào các biện pháp này sẽ kết thúc.
Đức Anh