Nhiều điều kiện thuận lợi

Cây mắc ca phù hợp với điều kiện sinh thái ở một số địa phương vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, mang lại lợi ích cao về kinh tế, xã hội và môi trường, có tiềm năng trở thành cây trồng mới cho sản xuất và xuất khẩu.

Cả nước có 29 tỉnh đã trồng cây mắc ca, với diện tích hơn hơn 20.000 ha. Trong đó, riêng hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên chiếm hơn 16.000ha. Về sản lượng, năm 2023 diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000 ha, sản lượng ước đạt gần 9.000 tấn hạt tươi/năm. 

Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính sẽ mang lại giá trị gần 800 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). 

Mắc ca Lâm Đồng đang dần
Mắc ca Lâm Đồng đang dần "chen chân" vào các thị trường quốc tế (Ảnh: TTKN Lâm Đồng)

Lâm Đồng là tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, có điều kiện khí hậu, với đặc thù thổ nhưỡng giàu chất hữu cơ, khả năng thoát nước tốt, không quá sét, phù hợp để trồng cây mắc ca.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, diện tích mắc ca kinh doanh của địa phương hiện có khoảng 1.640/5.160 ha. Sản lượng quả khô trong năm 2021 đạt 2.204 tấn. Với diện tích mắc ca trồng thuần, lợi nhuận bình quân năm thứ 5 và thứ 6 là hơn 172 triệu đồng/ha và từ năm thứ 7 trở đi là khoảng 385 triệu đồng/ha.

Toàn tỉnh hiện có 32 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến mắc ca. Thành phẩm chế biến chủ yếu là mắc ca sấy nứt và nhân hạt đạt khoảng gần 900 tấn đang được tiêu thụ rộng rãi ở các hệ thống siêu thị, sân bay, cửa hàng tiện lợi trong nước và xuất khẩu. Các cơ sở đang từng bước đi vào chế biến sâu; bên cạnh quả khô sấy nứt, nhân hạt sấy khô, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm như bột mắc ca, mỹ phẩm từ tinh dầu mắc ca… để nâng cao giá trị hạt mắc ca.

Nhiều năm trở lại đây, mắc ca Lâm Đồng cũng đang dần "chen chân" vào các thị trường quốc tế. Cụ thể, vào tháng 4/2019, Công ty cổ phần Việt Xanh Maca Lâm Đồng đã cung cấp ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca thành phẩm; trong đó, 40% hạt mắc ca được xuất khẩu sang Hàn Quốc và Singapore theo đơn đặt hàng, 60% còn lại phân phối cho thị trường trong nước.

Như vậy, với những lợi thế đặc trưng của vùng, mắc ca Lâm Đồng đang từng bước khẳng định tiềm năng, thế mạnh, trở thành nông sản đặc trưng của địa phương. Qua đó hướng đến xây dựng thương hiệu hạt "Mắc ca Lâm Đồng" "sải cánh" trên thị trường quốc tế. 

Xây dựng thương hiệu cho hạt "Mắc ca Lâm Đồng"

Đi đôi với những thuận lợi được ghi nhận, tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững hạt "Mắc ca Lâm Đồng", sở, ban ngành, doanh nghiệp và người dân tỉnh Lâm Đồng còn nhiều điều cần phải làm. 

Xây dựng thương hiệu cho hạt Xây dựng thương hiệu cho hạt "Mắc ca Lâm Đồng" (ẢNh: TTKN Lâm Đồng)

Trong thời gian đầu mới triển khai trồng cây mắc ca, nguồn giống cây mắc ca chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ nên nhiều hộ dân mua và trồng các giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi giống cây mắc ca trong nhân dân còn thấp, chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, thiếu sự hỗ trợ liên kết và đầu tư bền vững từ các doanh nghiệp. Việc sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ mắc ca trên địa bàn tỉnh hiện nay đều gắn với thương hiệu của các công ty, cơ sở, hợp tác xã chế biến mắc ca nhỏ lẻ như: Hạt mắc ca Tây Nguyên, Mắc ca Lâm Hà, Mắc ca Di Linh, Hạt mắc ca Việt,... mà chưa có một nhãn hiệu chung nào cho sản phẩm mắc ca Lâm Đồng.

Ngành sản xuất mắc ca của Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng sẽ phải cạnh tranh với các nước sản xuất mắc ca trên thế giới. Bắt buộc ngành mắc ca trong nước phải chuẩn hóa hạt, nhân theo tiêu chuẩn của thị trường thế giới, tiến tới đạt các chuẩn Viet GAP, Global GAP... hướng đến các thị trường khó tính.

Trước đây một số người dân trồng cây giống thực sinh, chưa nắm kỹ thuật trồng cây mắc ca; dẫn đến chất lượng hạt, nhân chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, cây chậm có trái hơn cây ghép, năng suất không cao, sẽ gây tác động tâm lý không tốt đến người dân trồng mắc ca...

Cùng với sự phát triển bền vững, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Lâm Đồng” cho sản phẩm hạt mắc ca của tỉnh sẽ là nền móng vững chắc để giúp nông dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất; giúp cơ sở kinh doanh thương mại và tiêu thụ sản phẩm tự tin quảng bá, giới thiệu, đầu tư xây dựng và mở rộng thị trường. Nhãn hiệu “Mắc ca Lâm Đồng” sẽ như một cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm cũng như một cam kết về việc phát triển nông - lâm nghiệp bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trên thị trường có một số cơ sở sản xuất hạt mắc ca chế biến có nguồn gốc hạt không phải từ Lâm Đồng nên chất lượng nhân không ngon nhưng vẫn lấy thương hiệu là mắc ca Lâm Đồng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu mắc ca Lâm Đồng trong thời gian tới.

Công tác giống còn chậm, giá cây giống ghép cao nên chưa thu hút người dân trồng mắc ca. Ngoài ra, cây mắc ca còn cạnh tranh với cây trồng khác đang có giá trị kinh tế cao trên thị trường là cây bơ, sầu riêng, tiêu...

Sông Trường