Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tập kết, bày bán công khai như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp; các đối tượng vi phạm sử dụng các thiết bị giám sát xung quanh kho hàng, điểm tập kết, sau đó lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa; khi phát hiện có người lạ ngay lập tức sẽ dừng hoạt động hoặc chuyển hàng hóa đi nơi khác, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, giám sát, nắm di biến động của đối tượng cũng như quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Đối với công tác xác nhận hàng hóa, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng cho rằng, trong quá trình kiểm tra, phát hiện hàng hóa nghi ngờ là hàng giả, các cơ quan thực thi thường gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu trí tuệ được ủy quyền hợp pháp, để liên hệ về việc giám định hàng hóa, làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.
6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 2.786 vụ hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý vi phạm 2.716 vụ; số tiền xử phạt hành chính (gồm thanh tra chuyên ngành) 44,773 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu đã bán 14,331 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tịch thu, buộc tiêu hủy, tái chế 30,851 tỷ đồng.
Dự báo những tháng cuối năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không, hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Do đó, ngành quản lý thị trường Hà Nội chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác trọng tâm trong thời gian tới, đó là.
Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai các giải pháp, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ;
Chủ động dự báo, nắm bắt tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; tăng cường công tác chống đầu cơ, găm hàng, các quy định của pháp luật về giá nhất là đối với mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các dịp lễ, Tết;
Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa bàn trọng điểm, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn, các điểm giao nhận chuyển phát hàng hóa; chú trọng đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm với các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, trong lĩnh vực thương mại điện tử;
Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng;
Tiếp tục xác định công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ chính trị, thường xuyên, có hiệu quả, do đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và thành phố tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến các cá nhân, tổ chức về các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh; thông tin tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định phù hợp hơn với thực tế và tình hình mới;
Tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội xây dựng Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025; Kế hoạch kiểm tra liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết nguyên đán 2025 của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố.
Nguyễn Kiên