Qua tìm hiểu, trước lúc đảo Lý Sơn có điện toàn đảo chỉ có vài nhà nghỉ nhỏ. Hiện nay, đảo có 133 cơ sở lưu trú, gồm: 14 khách sạn, 57 nhà nghỉ, 62 homestay, với 1.069 phòng, có thể phục vụ trên 3.000 khách/ngày.
“Nàng công chúa” đảo Lý Sơn sau nhiều năm ngủ quên đã chuyển mình
Những năm qua, huyện đảo Lý Sơn nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1995/QĐ-TTg, ngày 4/11/2014 “Về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2015 - 2020” đã ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn khác để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới cáp ngầm xuyên biển, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống đê biển, cấp nước sinh hoạt, hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở y tế… Nhờ đó, khách du lịch đến Lý Sơn tăng nhanh, đặc biệt là năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19) với trên 265.000 lượt khách, tăng 165.000 lượt khách so với năm 2015.
Có thể nhận thấy, ngành du lịch, dịch vụ đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đảo, chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ tăng mạnh (năm 2022 chiếm 46,08%), thu nhập bình quân đầu người tăng rõ rệt. Năm 2023, huyện Lý Sơn đón 170.000 lượt du khách, trong đó có gần 2.000 khách quốc tế, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 2/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi “Về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Huyện ủy Lý Sơn đã đề ra Chương trình hành động, đồng thời xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Lý Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chính quyền huyện đảo đang tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để đưa địa phương phát triển theo hướng xanh và bền vững...
Khai thác hiệu quả hạ tầng Thương mại- Dịch vụ
Theo thống kê, huyện Lý Sơn có khoảng 2.000 hộ kinh doanh Thương mại- Dịch vụ (TM – DV), với gần 3.000 lao động. Nguồn lực này không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho khoảng 24 nghìn người dân sinh sống tại đây, mà còn phục vụ lượng khách thập phương rất lớn ra đảo tham quan, trải nghiệm.
Năm 2019, huyện Lý Sơn đón hơn 265 nghìn lượt du khách; trong đó, có gần 2.000 lượt khách quốc tế. Từ năm 2000 - 2022, lượng khách đến tham quan Lý Sơn giảm, do dịch Covid-19. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách tăng trở lại với 80 nghìn lượt người đã đến với Lý Sơn, thúc đẩy hoạt động TM - DV phát triển mạnh. Trong 2 tháng trở lại đây, các khách sạn, nhà nghỉ ở huyện Lý Sơn hầu hết đều kín phòng; các nhà hàng trở nên nhộn nhịp khách đến sử dụng dịch vụ ăn uống.
Hiện nay, huyện Lý Sơn là một trong những địa phương được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TM - DV. Trên địa bàn huyện hiện có 4 chợ, 6 cửa hàng xăng dầu. Trong đó, có 1 chợ trung tâm được đầu tư xây dựng mới (từ vốn ngân sách), kinh phí 25 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2022. Còn 3 chợ khác được phân bố phù hợp với dân cư sinh sống trên đảo, gồm 1 chợ ở thôn Tây An Vĩnh; 2 chợ ở thôn Tây An Hải.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, các chợ này đều được nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu giao thương tại địa phương. Sản phẩm của huyện được đưa đến chợ để bán, từ đây sẽ vượt biển vào đất liền để đến với thị trường lớn.
Đối với hạ tầng cảng và dịch vụ vận chuyển hành khách, huyện Lý Sơn có 1 cảng hành khách, có tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng; có 5/6 tàu vận tải hành khách chất lượng cao phục vụ vận chuyển khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại.
Nhờ vậy, thời gian đi trên tuyến đường thủy này được rút ngắn nhiều so với trước, hiện chỉ hơn 30 phút. Riêng tuyến đảo Lớn - đảo Bé có 16 ca nô, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách. Ngoài ra, tại huyện đảo còn có 12 tàu vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng, xăng dầu từ đất liền ra cho đảo và hàng hóa từ đảo vào đất liền.
“Xác định rõ mục tiêu của huyện là phát triển bền vững, với ngành kinh tế mũi nhọn là TM - DV và du lịch, vì thế, Lý Sơn chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng cho người dân để sẵn sàng hội nhập. Mỗi người dân chú trọng nâng cao năng lực tiếp thị hàng hóa, sản phẩm du lịch không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn xây dựng hình ảnh, con người đất đảo thân thiện trong lòng bạn bè, du khách”.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn PHẠM THỊ HƯƠNG
Hoàng Hữu Quyết