Công nghiệp tăng trưởng tích cực

Cục Thống kê tỉnh Nam Định cho biết, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực từ cuối năm 2023, các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn.

Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 14,29% 

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 14,45%, đóng góp 14,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,38%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 16,51%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 18,32%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm.

Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước như: quần áo may sẵn tăng 24,45%; giày dép tăng 32,27%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 19,57%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,82%; bàn ghế bằng gỗ các loại tăng 10,43%.

Bên cạnh đó, một sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: sợi các loại giảm 15,87%; khăn các loại giảm 7,09%; thuốc dạng viên các loại giảm 7,41%; phụ tùng xe có động cơ giảm 4,75%.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng giảm 3,19% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 giảm 6,52% so với cùng thời điểm năm trước.

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều công trình xây dựng trọng điểm

6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Nam Định, các công trình trọng điểm của nhà nước, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và dự án xây dựng nhà máy sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai nhanh cùng với nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở khu vực hộ dân cư gia tăng góp phần tích cực vào tăng trưởng ngành xây dựng của tỉnh.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 theo giá so sánh 2010 tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cầu vượt sông Đào
Cầu vượt sông Đào có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng

Các công trình trọng điểm của nhà nước tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công: Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022 - 2027) có tổng mức đầu tư 5.995 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cầu Bến Mới (2022 - 2024) có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (2022 - 2025) tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án cầu vượt sông Đáy thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (2023 - 2024) tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng…

Khu vực ngoài nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến, thu hút đầu tư: KCN dệt may Rạng Đông huyện Nghĩa Hưng; KCN Mỹ Thuận huyện Mỹ Lộc; KCN Bảo Minh mở rộng; CCN Yên Bằng huyện Ý Yên; CNN Thanh Côi huyện Vụ Bản; CCN Giao Thiện huyện Giao Thủy...

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Xuân Trường II Công ty cổ phần may Sông Hồng; Cơ sở sản xuất dệt may Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam; Cơ cở sản xuất giày Công ty cổ phần XD Minh Tiến,… tiếp tục được thi công xây dựng.

Dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Nhà máy sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của Tập đoàn Quanta Computer Inc; Nhà máy dệt nhuộm Công ty TNHH Top Textiles tại KCN Rạng Đông; Nhà máy dây cáp kết nối truyền tín hiệu Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL Việt Nam…

Phạm Thịnh