Năm 2019, thị trường BĐS TP. HCM đối mặt với nhiều khó khăn - Hình 1

Dự báo thị trường BĐS TP.HCM những tháng cuối năm và trong 2019  sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh IT

Giảm khá sâu cả về cung và cầu

Nếu như những năm trước các doanh nghiệp đầu tư bất động sản (BĐS) liên tục đưa ra thị trường các dự án mới, thì từ đầu năm 2018 đến nay các dự án ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đơn cử, năm 2015, Tập đoàn Novaland có 12 dự án, năm 2016 có 5 dự án, năm 2018 cho đến thời điểm này cũng chỉ đưa ra thị trường dự án Grand Manhattna. Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam từ đầu năm 2018 đến nay không có dự án mới nào. Hưng Thịnh Corp cũng mới đưa ra thị trường một dự án duy nhất là Q7 với số lượng 4.000 căn hộ và một dự án nhà phố ở Đồng Nai - Biên Hòa Newcity. Phúc Khang với dự án duy nhất là Diamond Lotus (quận 2)…

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của DKRA, trong quý III-2018 thị trường TP. HCM có 18 dự án được mở bán (bao gồm 12 dự án mới và 6 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo của năm trước), cung cấp ra thị trường 7.152 căn hộ, bằng 79% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ ước khoảng 83% (5.915 căn hộ).  Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA, cho biết phân khúc căn hộ bắt đầu đà giảm kể từ quý IV-2017 (13.738 căn hộ), quý I-2018 (10.431 căn hộ), quý II-2018 (9.032 căn hộ), quý III-2018 (7.152 căn hộ).

Thị trường trải qua một quý giảm khá sâu cả về cung và cầu. Nguyên nhân do các chủ đầu tư đang điều chỉnh kế hoạch ra hàng, cùng với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước trong việc cấp phép thủ tục pháp lý. Với diễn biến của thị trường hiện nay, tình hình trầm lắng có thể kéo dài đến hết năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

Hạn chế khoản cho vay tín dụng đối với lĩnh vực BĐS

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2019, việc áp dụng Thông tư 36/2014 sẽ có hiệu lực toàn diện về tỷ lệ tối đa được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn đối với thị trường BĐS.

Lộ trình cho phép giảm dần trong 3 năm: Năm 2016, được sử dụng tối đa 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 150%.

Năm 2017, được sử dụng tối đa 50% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 200%. Năm 2018, được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 200%.

Và từ ngày 1-1-2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh BĐS là 200%.

Năm 2019, thị trường BĐS TP. HCM đối mặt với nhiều khó khăn - Hình 2

Các tổ chức tín dụng hạn chế khoản cho vay tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Ảnh IT

Mặc dù có lộ trình hẳn hoi, nhưng ghi nhận từ đầu năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư và người tiêu dùng đã khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do các tổ chức tín dụng đã dần hạn chế khoản cho vay tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Nhiều tổ chức tín dụng sử dụng các hàng rào kỹ thuật như tăng lãi suất để hạn chế việc vay tiền mua nhà.

Theo Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA), việc siết nguồn cung tiền chắc chắn “đẩy” các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đứng trước nhiều thách thức, buộc phải tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng.

Điều này cho thấy, sắp tới thị trường BĐS sẽ đối mặt với khó khăn kép là không tránh khỏi. Nhưng đôi khi điều đó chính là khoảng lặng cần thiết để điều chỉnh thị trường, hướng đến giá trị thực hơn; đó là làm sao để giá nhà, đất xuống thấp cho phù hợp với thu nhập của xã hội, đại bộ phận người dân có khả năng mua nhà, thay vì các chính sách đóng - mở liên hồi, nhưng cuối cùng thị trường này chỉ phục vụ cho tầng lớp giàu có…

 Bảo Trần