Với tâm lý cho là hàng xách tay tốt hơn hàng chính hãng, giá lại rẻ nên hàng điện tử ngoại trốn thuế đã trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng (NTD). Thực tế, nhiều người bán hàng xách tay vì lợi nhuận đã ăn gian chất lượng sản phẩm.
Mua bán công khai
Thị trường hàng điện tử xách tay khá rầm rộ vì nhiều NTD có nhu cầu. Các trang web bán hàng điện tử xách tay cũng theo đó mọc lên như nấm sau mưa. Đến bất cứ cửa hàng điện tử nào cũng đều có thể mua được hàng xách tay, đặc biệt là điện thoại di động.
Các cửa hàng của Hnam Mobile (Công ty TNHH thương mại dịch vụ di động Sao Việt) luôn niêm yết giá chính hãng và giá Hnam (xách tay) để khách lựa chọn. Hệ thống này khá “nổi tiếng” với mặt hàng điện thoại xách tay. Hầu như mẫu điện thoại cao cấp nào có mặt trên thị trường là hệ thống này có hàng xách tay, ngay cả những mẫu chưa có mặt tại Việt Nam, Hnam cũng nhận đặt cọc (một triệu đồng) của khách, và khẳng định sẽ có hàng cùng thời điểm với các nước.
Ảnh minh họa
Anh N.L chủ một cửa hàng máy tính tại Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Hàng ngày chúng tôi online trao đổi thông tin với nhau, khi được báo có hàng mới là sáng bay sang Singapore lấy, tối về, hôm sau hàng đã rao trên mạng”. Anh L. nói, do đi buôn bằng con đường “trốn thuế”, lại lấy từ “chợ trời” nước ngoài, nên hàng của anh có giá bán thấp, khó cửa hàng chính thức nào cạnh tranh được.
Mức chênh lệch có thể lên đến bốn - năm triệu đồng với một chiếc điện thoại cao cấp, hai đến ba triệu đồng đối với chiếc máy tính bảng Apple… Những mẫu điện thoại vốn chỉ được kinh doanh ở thị trường nội địa như Nhật, Hàn Quốc… cũng được “xách tay” với giá rất mềm so với hàng cùng cấu hình bán tại Việt Nam.
Điện thoại Iphone 5 xách tay được một trang web rao bán chỉ với giá 3.800.000đ (trong khi hàng chính hãng gần 17 triệu đồng/chiếc.
Rủi ro chực chờ
Anh Nguyễn Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, ba tháng trước anh mua một điện thoại hiệu Sony Ericsson ở Hnam Mobile với thời hạn bảo hành một năm. Mới đây điện thoại bị hỏng micro, anh mang đến cửa hàng để bảo hành, nhưng nơi bán cho là lỗi do anh làm rơi máy. Hnam chỉ bảo hành một năm đối với bo mạch, còn các bộ phận khác thì không, kể cả phần mềm.
Tương tự, anh Nguyễn Minh Tuấn (Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng ngỡ điện thoại của mình được bảo hành một năm, nhưng khi xảy ra hỏng hóc mới biết đó là thời gian bảo hành phần mềm, còn thân máy chỉ bảo hành ba tháng. Anh Tuấn buộc phải thay màn hình cho chiếc điện thoại Sky (của Hàn Quốc) bị mất cảm ứng với giá gần một triệu đồng, dù mới mua chưa đầy sáu tháng.
Với những mặt hàng xách tay được ưa chuộng như máy tính xách tay, máy tính bảng, NTD có nguy cơ gặp phải chiêu lừa đổi ổ cứng, bớt pin, sạc... Theo chủ một cửa hàng chuyên bán đồ công nghệ tại Q.Tân Bình, hàng xách tay còn có thể được “nhập” từ nguồn phạm pháp ở nước ngoài, thậm chí cả ở Việt Nam.
Với mức giá rẻ hơn khá nhiều, có thể thấy, “cuộc chiến” giữa hàng xách tay và hàng chính ngạch là không cân sức. Theo một cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty Samsung Việt Nam, doanh nghiệp này cũng như nhiều thương hiệu khác bị ảnh hưởng khá lớn bởi tình trạng hàng xách tay tràn lan trên thị trường nhưng Samsung cũng chỉ có thể dựa vào việc bảo hành sản phẩm để tạo ưu thế so với hàng xách tay.
Theo ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc Marketing Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, rất khó xác định nguồn gốc của hàng “xách tay”, nên khi mua các sản phẩm này, khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro.
Theo PNO