Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kế hoạch khôi phục lại chuyến bay thương mại quốc tế từ 01/01/2022. Theo đó, có 9 đường bay sẽ được mở lại trong giai đoạn 1. Đến thời điểm này, một số đối tác xác nhận sẽ triển khai đường bay với Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Đài Bắc (Trung Quốc), Singapore, Campuchia. Tuy nhiên, điều kiện bay, điều kiện nhập cảnh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các hướng dẫn của các Bộ liên quan và nhất là đối với cơ chế của các nước Việt Nam muốn nối lại đường bay. 

Hiện nay, mới chỉ có Nhật Bản và Mỹ là hai nước đầu tiên có kế hoạch bay với Việt Nam và các hãng hàng không được phép bán trong giai đoạn 1 này.

Trong giai đoạn 1, 9 đường bay quốc tế truyền thống sẽ được khai thác lại, với tần suất từ 4 - 7 chuyến/tuần.

Theo Cục Hàng không thì Cục đã chủ động làm việc với các nước sở tại và đây là lần thứ ba xây dựng các kịch bản mở nối lại các đường bay quốc tế tới Việt Nam. 

"Hai bên thống nhất là bay. Mình sang họ và họ sang mình phải áp dụng theo quy định của nhau. Hộ chiếu vaccine sẽ chỉ là công cụ thay vì cầm bản cứng thì tra cứu trên bản mềm. Hộ chiếu vaccine có tính bảo mật cao, khả năng an toàn cao, không ai làm giả được. Cứ quốc gia nào thống nhất bay được theo phương án đề xuất của mình là tổ chức bay ngay, cho phép phân bổ cho các hãng", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho hay.

Hiện các hãng cũng đã sẵn sàng khai thác hết số lượng chuyến bay nếu được phân bổ. Vietnam Airlines và Vietjet thông tin là sẽ công bố giá và số chuyến để hành khách đặt mua vé trực tuyến, ưu tiên các đường bay tới Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Còn Vietravel Airlines sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ và thuê chuyến tới các nước châu Á để kết hợp đón khách du lịch trở lại. 

“Mở cửa bầu trời”: Gặp nhiều trở ngại vì quy định cách ly
“Mở cửa bầu trời”: Gặp nhiều trở ngại vì quy định cách ly.

Từ đầu tháng 01/2022, Bamboo Airways sẽ khai thác các đường bay thẳng thường lệ hoặc thuê chuyến từ Hà Nội tới Narita, Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, Seoul, London và Frankfurt. 

Các hãng hàng cần được thông báo sớm kế hoạch bay và nhanh chóng có các hướng dẫn cụ thể, thống nhất từ các cơ quan liên quan để hành khách chủ động mua vé với nhiều thủ tục xác nhận phòng chống dịch.

Giữa tháng 12 vừa qua, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.

Theo quy định của Bộ Y tế, đối với người nhập cảnh, hành khách cần có xác nhận đã tiêm vaccine và kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh, khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid khi vào Việt Nam. Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ khi nhập cảnh, không tiếp xúc và không ra khỏi nơi lưu trú. Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều cần thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Khi "cánh cửa bầu trời" được mở, du khách quốc tế trở lại và dần lấp đầy các khu du lịch, nền kinh tế sẽ được tiếp thêm lực đẩy trên con đường phục hồi sau dịch bệnh. Thời điểm cánh cửa bầu trời mở lại chỉ còn 3 ngày. 

Cách đây một tháng, các cảng hàng không trọng điểm đã lên kế hoạch và phương án để đón khách quốc tế, đảm bảo phòng chống dịch. Tuy nhiên lúc này, tình trạng mỗi địa phương một phương án cách ly lại xảy ra.

Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải làm việc với Bộ Y tế và UBND TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để thống nhất lại các quy định sau khi các địa phương này ra quy định cách ly tập trung với người nhập cảnh. Bởi 2 cảng hàng không trọng điểm của cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều nằm tại 2 địa phương này.

Hiện, Hà Nội yêu cầu, đối với chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó. 

Tuy nhiên, Hà Nội lại chưa có bất kỳ phương án nào liên quan đến việc triển khai cách ly, như địa điểm, quy trình tiếp nhận cách ly... Trong khi đó, từ đầu tháng 10, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã có sự chuẩn bị các điều kiện và ban hành phương án khai thác nhà ga hành khách T1, T2; tính toán kỹ lương các phương án phòng chống dịch trong tình hình mới. 

Còn tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện vẫn đang đón một số chuyến bay quốc tế đến, bên cạnh các chuyến bay giải cứu về Việt Nam. Vì vậy, đại diện cảng này cho biết hoạt động khai thác ở nhà ga quốc tế vẫn diễn ra bình thường. 

Dù vậy, TP. Hồ Chí Minh mới đây cũng yêu cầu các hãng hàng không cung cấp thông tin toàn bộ hành khách từng chuyến bay cho CDC thành phố 24 giờ trước khi nhập cảnh, trong khi các cảng hàng không đã chủ động các phương án phòng dịch.

Tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam đã đạt mức cao so với thế giới. Đây là điều kiện quan trọng để tính tới những bước đi xa hơn trong nhịp sống bình thường mới. 

Việc mở lại đường bay thương mại quốc tế là quyết sách hết sức kịp thời của Chính phủ, với nhiều kỳ vọng phục hồi kinh tế, đặc biệt là du lịch, hiệu quả nhìn thấy ngay là giảm thiểu chi phí cho cho các hãng hàng không, từ đó giảm giá vé cho hành khách. Cần mở cửa bầu trời an toàn khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang vô cùng phức tạp, nhưng cũng phải quyết liệt, để không lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục. Tuy nhiên hiện tại, vẫn khó vì quy định cách ly.

Trúc Mai