Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng mạng lưới: Số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính khoảng 3.700 người; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 100% số điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet.

Hạ tầng dữ liệu: 100% số doanh nghiệp bưu chính thực hiện báo cáo trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bưu chính; ây dựng cơ sở dữ liệu ngành bưu chính phục vụ cho việc điều hành phát triển lĩnh vực và hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính công ích của người dân: mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính công ích; trong đó, tập trung mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính phổ cậ; phấn đấu 100% số điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đến năm 2030, bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; doanh nghiệp bưu chính phát triển theo hướng thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới; thúc đẩy phát triển Chính quyền số, xã hội số.

Về hạ tầng viễn thông, đến năm 2025, mạng băng rộng cố định đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các ấp, khu phố; bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s.

Mạng băng rộng di động đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.

100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước. 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT.

Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s.

Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.

Về hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đến năm 2025, 100% các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính quyền số; 70% số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Đến năm 2030, 100% các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% dân số sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.

Qua đó, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng chuyển đổi số của tỉnh và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, tận dụng có hiệu quả các nguồn lực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.

Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại, an toàn, an ninh, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng trên phạm vi toàn tỉnh; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ, sử dụng chung, phù hợp với quy hoạch hạ tầng viễn thông quốc gia, kế thừa hợp lý hạ tầng thông tin và truyền thông đã được đầu tư phát triển.

Ngoài ra, ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp do người Việt Nam làm chủ nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia.

Thuận Yến (t/h)