Để chủ động phòng, ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai (mưa lớn, lũ kết hợp triều cường đầu tháng 10 Âm lịch có khả năng gây ngập úng, sạt lở đất,..) và sự cố có thể xảy ra do ảnh hưởng tác động của hoàn lưu cơn bão số 6 (TRAMI); nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, nhà ở, cây trồng, đất sản xuất của Nhân dân và kết cấu cơ sở hạ tầng của Nhà nước.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện chỉ đạo công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn; tập trung các biện pháp phòng ngừa, ứng phó trước các tình huống lũ lên nhanh, kết hợp mưa lớn nội đồng và triều cường tháng 10, 11 gây thiệt hai sản xuất và ngập úng cục bộ các khu dân cư.  

Chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ kết hợp triều cường gây ngập úng, sạt lở đất và ảnh hưởng của hoàn lưu Bão số 6
Chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ kết hợp triều cường gây ngập úng, sạt lở đất và ảnh hưởng của hoàn lưu Bão số 6. Ảnh KT.

Tổ chức huy động, bố trí lực lượng tại cơ sở trực ban 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; đồng thời theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến đường đi của Bão số 6, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, các bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến mưa lớn, lũ, triều cường, sạt lở đất, và các loại hình thiên tai khác... của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ; Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An; Trang Thông tin Phòng chống thiên tai tỉnh Long An nhằm đảm bảo truyền tải, thông tin kịp thời đến người dân trên các phương tiện truyền thông, loa phát thanh để người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Đồng thời, tăng cường huy động các lực lượng phòng chống thiên tai cấp xã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát nhằm kịp thời phát hiện sớm các khu vực ô đê bao, bờ bao trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở đất để kịp thời xử lý gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao có cao trình thấp, xung yếu không đảm bảo ngăn lũ, triều; tránh tư tưởng chủ quan, lơ là để không xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê.

Triển khai cắm các biển cảnh báo ngập sâu, sạt lở nguy hiểm hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt tại các khu vực xung yếu nhất là khu vực dân cư, khu vực ven sông, kênh, rạch đảm bảo an toàn các khu dân cư, khu đô thị ven sông; có kế hoạch thường xuyên kiểm tra các cửa cống đầu mối, các trạm bơm tiêu chống ngập úng, phát hiện, xử lý ngay giờ đầu các hư hỏng, rò rỉ, vận hành hợp lý các cống đầu mối để tránh tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Chủ động triển khai thực hiện các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra tại địa phương, nhất là phương án ứng phó với bão, lũ, dông lốc, sét, ngập úng, triều cường, sạt lở đất,..; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động thực hiện kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn và khắc phục thiệt hại kịp thời khi có tình huống xảy ra. 

Chỉ đạo các cơ quan đơn vị quản lý thực hiện chặt, tỉa, gia cường, chống đỡ các cây cao dễ gãy đổ nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người, tránh để cây xanh ngã đổ; tháo dỡ dọn dẹp các bảng pano áp phích, quảng cáo bị hư hỏng có nguy cơ gãy đổ do mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây nguy hiểm và đe doạ đến tính mạng của người dân. Kiểm tra xử lý các hệ thống thoát nước trên các tuyến đường giao thông đảm bảo thông thoáng thoát nước tốt tránh ngập úng kéo dài.

Đối với Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn và diễn biến của cơn bảo số 6 (TRAMI) để chủ động trong công tác vận hành, điều tiết các cống đầu mối, không để xảy ra tình trạng ngập úng do mưa lớn kéo dài kết hợp lũ, triều cường.

Chủ động xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành các cống trong cùng hệ thống để các địa phương phối hợp thực hiện hiệu quả. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các cống đầu mối, các tuyến đê bao, bờ bao nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình khi xảy ra mưa, lũ, triều cường; tổ chức lực lượng trực ban và giám sát an toàn công trình các tuyến đê bao, bờ bao nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ giờ đầu các nguy cơ xảy ra sự cố công trình.

Trường hợp có nguy cơ mất an toàn, có các dấu hiệu bất thường thì phải tổ chức kiểm định chất lượng để xử lý hoàn thành đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ, triều cường từ nay đến cuối năm 2024. Kiểm tra, rà soát, cập nhật quy trình vận hành công trình, chấp hành nghiêm quy trình đóng, mở, vận hành các cống.  

Xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết hợp lý các công trình do tỉnh quản lý; thường xuyên phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đánh giá hiện trạng các cống đầu mối, cống qua đê và các tuyến đê bao, bờ bao dọc theo các nhánh sông chính Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Rạch Cát, Sông Tra,…

Ngoài ra, chủ động đề xuất phương án và triển khai các giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến công trình đê điều, đảm bảo bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thuận Yến (t/h)