Nông dân gia cố đê bao cứu lúa
Nông dân gia cố đê bao cứu lúa (Ảnh: KT)

Do ảnh hưởng của mưa, lũ và triều cường trên địa bàn huyện Mộc Hóa, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có hơn 700ha cây trồng bị thiệt hại, mất trắng.

Theo số liệu báo cáo nhanh từ các huyện bị ảnh hưởng (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Bến Lức, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường) và kết quả cuộc khảo sát sơ bộ về tình hình ngập lũ trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười của Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích bị ngập do mưa, lũ kết hợp triều cường dâng cao là 1.142,9ha. 

Trong đó, diện tích cây trồng bị thiệt hại mất trắng là 702,9ha (huyện Mộc Hóa thiệt hại 97,2ha (78,5ha lúa, 17,8ha rau màu và 0,9ha cây ăn trái), thị xã Kiến Tường thiệt hại 602ha lúa, huyện Thạnh Hóa thiệt hại 3,7ha dưa hấu).

Diện tích bị ngập đang xử lý khắc phục (địa phương và nhân dân đang huy động thiết bị bơm nước ra, chưa có thiệt hại) là 529ha. Trong đó, huyện Mộc Hóa 50ha lúa, thị xã Kiến Tường 437ha lúa, huyện Tân Thạnh 42ha (30,3ha lúa, 11,7ha cây ăn trái).

Diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập (mực nước ngoài kênh cao, bờ bao xung yếu, chưa bị tràn) là 7.451ha (huyện Tân Hưng 3.268 ha, huyện Vĩnh Hưng 600ha, huyện Mộc Hóa 2.636ha, thị xã Kiến Tường 1.060ha, huyện Bến Lức 100ha, huyện Tân Trụ 60ha, do mưa kết hợp với triều cường).

Hiện, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực, phương tiện, tiếp tục gia cố tôn cao các tuyến bờ bao, đê bao lửng và hỗ trợ người dân bơm nước chống ngập úng để bảo vệ an toàn cho diện tích lúa vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024 - 2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ, ngập úng gây ra.

Để chủ động các giải pháp khắc phục ảnh hưởng thiệt hại do mưa, lũ và triều cường, các huyện vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình mực nước lũ, triều cường; tăng cường huy động các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao, các cống đầu mối, xác định các vị trí hư hỏng, rò rỉ, triển khai phương án bảo vệ.

Ngoải ra, các huyện chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư xử lý khi có sự cố xảy ra; gia cố, tôn cao các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu không bảo đảm ngăn lũ, triều cường, không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê gây ngập úng kéo dài, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hai do ảnh hưởng ngập lũ.

Thuận Yến (t/h)