Lễ hội năm nay được tổ chức trong hai ngày 13 và 14/02/2019 (nhằm ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Sân Lễ hội Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội được khôi phục và tổ chức vào tháng Giêng hàng năm theo chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Định Hóa với Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hoá truyền thống các dân tộc huyện Định Hoá” giai đoạn 2015- 2020. 

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa: Nâng cao giá trị truyền thống gắn với phát triển KT-XH - Hình 1

Lễ hội Lồng Tồng ngày nay được duy trì ở Định Hóa không chỉ là lễ hội của riêng đồng bào Tày, Nùng mà còn là dịp để giao lưu văn hoá giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn huyện bằng nhiều nghi lễ như lễ cầu mùa của dân tộc tày,dân tộc sán chay; lễ cầu phúc của dân tộc Dao; các trò hội đặc sắc các mang đậm nét đa dạng giao thoa của xuôi ngược các miền.

Lễ hội là nơi  giao duyên, hò hẹn của nam thanh, nữ tú các dân tộc trong vùng và mời gọi bạn bè bốn phương hành hương về dự hội. Tổ chức Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa là một trong những hoạt động “Mừng Đảng – Mừng Xuân, đón tết cổ truyền dân tộc”. Qua các hoạt động lễ hội nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên - được mệnh danh “Thủ đô Gió Ngàn” là vùng quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỳ XX.

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa: Nâng cao giá trị truyền thống gắn với phát triển KT-XH - Hình 2

Màn múa rồng tại Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa  

Lễ hội Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa, xuân Kỷ Hợi năm 2019 với phần lễ và phần hội phong phú mang đậm nét truyền thống văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc vùng ATK Định Hóa.

Phần Lễ: Các hoạt động Lễ hội gắn với việc tham quan, dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, tạo được ấn tượng với mọi người, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan Khu di tích. Lễ hội đã được tổ chức thành công tạo niềm hứng khởi cho nhân dân địa phương có một mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh và niềm hứng khởi để bắt tay vào lao động, sản xuất.

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa: Nâng cao giá trị truyền thống gắn với phát triển KT-XH - Hình 3

Chủ lễ tiến hành các nghi thức tế lễ tại hội Lồng Tồng ATK Định Hóa  

Phần Hội: Chương trình văn nghệ, hội thi cắm trại, hội thi giã bánh giầy, hội thi cấy, hội thi cà kheo, hội thi tung còn, hội thi kéo co, hội thi bắn nỏ, hội thi đẩy gậy, các trò chơi dân gian,... ; Các chương trình giao lưu thể thao; Triển lãm ảnh giới thiệu chùm ảnh các hoạt động về kinh tế xã hội của huyện. Nơi khởi phát chiến dịch Điện Biên Phủ hướng tới kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2019); Không gian văn hóa Trà; Gian hàng giới thiệu sản phẩm ATK Định Hóa; Đêm lửa trại…

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa: Nâng cao giá trị truyền thống gắn với phát triển KT-XH - Hình 4

 Hội thi giã bánh giầy

Lễ hội Lồng Tồng ATK cùng với lễ hội chè, hát then,...là một phần nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng  Chính phủ phê duyệt  nhằm bảo tồn tôn tạo các giá trị di tích lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống. Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ, khai thác du lịch về nguồn, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh,... Qua đó, góp phần  giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng văn hóa tín ngưỡng, du lịch nghiên cứu, du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái,...Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế rừng, các cụm tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống.

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa: Nâng cao giá trị truyền thống gắn với phát triển KT-XH - Hình 5

Triển lãm ảnh

Tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Định Huyện Định Hóa nói riêng trong những năm qua đã và đang hướng tới việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với các loại hình du lịch và tính chất của địa phương. Từ đó, phát huy được tiềm năng lợi thế, ưu tiên phát triển các sản phẩm như làng nghề truyền thống, sản vật địa phương có thương hiệu, lễ hội, thơ ca...

Hoàng Thiệp