THCL Sau khi Báo Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài: “Xã Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên): Dân cố giữ ao làng, chính quyền xã quyết lấp”. Đại diện UBND huyện Văn Giang khẳng định, sẽ yêu cầu dừng thi công dự án san lấp ao tại thôn Phi Liệt, kiểm tra lại quy trình, xem lại công tác tuyên truyền và yêu cầu UBND xã cần có một cuộc đối thoại với người dân.
Người dân trong làng vẫn bàn tàn nhau về việc xã lấp ao. Ảnh: Hồng Lĩnh
Huyện yêu cầu dừng thi công dự án
Như Báo Thương hiệu và Công luận thông tin tại các kỳ trước. Dự án san lấp ao thôn Phi Liệt đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân. Tuy nhiên chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa, ông Lý Xuân Minh khi trả lời Báo chí lại cho rằng: “Thực ra hiện nay chỉ còn gần 10 hộ sống ven ao đang phản đối dự án”.
Người dân thôn Phi Liệt cho biết, trước đó đã có hàng trăm chữ ký trong đơn gửi lên xã và các cấp để phản đối về việc này. Từ đầu làng đến cuối thôn, không ai hài lòng với chủ trương và cách làm của xã. Thế nhưng khi nói về lá đơn có kèm chữ ký phản đối của người dân, ông Minh lại phủ nhận và cho rằng: “Không có chuyện người dân phản đối nhiều như vậy”.
Thế nhưng nếu xã đã tích cực tuyên truyền vận động “chủ trương đúng đắn, là dự án hợp lòng dân, theo nguyện vọng của người dân, phục vụ lợi ích chính đáng của người dân”. Vậy tại sao gần như toàn bộ người dân trong thôn lại phản đối?, đó là câu hỏi mà có lẽ các cấp, ban, ngành chức năng của tỉnh Hưng Yên cần phải xem xét.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Cương - Phó Chánh văn phòng huyện Văn Giang cho biết: “Qua báo chí phản ánh và đơn kiến nghị của người dân, huyện cũng có quan điểm rõ ràng, là yêu cầu dừng thi công dự án san lấp ao tại Phi Liệt, kiểm tra lại quy trình, xem lại công tác tuyên truyền, yêu cầu xã cần có một cuộc đối thoại với người dân”.
Đề cập đến vấn đề Văn hóa tâm linh của người dân đối với một cái ao có lịch sử lâu đời, vị Phó chánh văn phòng huyện cho rằng: “Đối với vấn đề tâm linh quả thực rất quan trọng, không nên phạm phải những yếu tố mang yếu tố Văn hóa tâm linh đó”.
Cũng theo như ông Cương qua buổi làm việc với báo chí, huyện mới nhận ra nhiều điều từ dự án, cần xem xét kỹ lại mọi vấn đề.
Người dân Phi Liệt ý thức được tầm quan trọng của ao làng nên họ một mực phản đối chủ trương xã. Ảnh: Hồng Lĩnh
Ngoài ra, qua tìm hiểu được biết, từ trước tới nay đã có rất nhiều ao trong làng được chính quyền san lấp để phân lô bán nền, nhưng số tiền thu được từ việc bán đất được chi vào đâu thì người dân không ai được rõ. Theo người dân thì điều đó chỉ có chính quyền xã mới biết.
Dễ trăm lần không dân cũng chịu…
Trước đó, báo Thương hiệu và Công luận đã đề cập đến tầm quan trọng của Ao làng Phi Liệt, ao không chỉ là cảnh quan sinh thái, là hồ điều hòa không khí của làng, giúp cho người dân có một môi trường sinh thái trong lành, mát mẻ, mà nó còn mang trong mình một sứ mệnh quan trọng, là nơi điều tiết nguồn nước, chống ngập, tiêu úng mỗi khi mùa mưa lũ.
Trên thực tế trên địa bàn thôn Phi Liệt, người dân vẫn phải bỏ tiền mua từng gánh nước tưới cây trong chính cái ao được đào bằng chính sức dân, thì đây là một ao chứa nước vô tận phục vụ tưới tiêu khi cần thiết.
Trong Chương trình mục tiêu về phát triển Nông thôn mới, không có một chủ trương hay quyết định nào cho phép địa phương san lấp ao để phân lô, bán nền làm nguồn thu, tạo vốn để thực hiện các chỉ tiêu về Nông thôn mới.
Bởi việc san lấp ao hồ sinh thái tại khu vực nông thôn, đồng nghĩa với việc đi ngược lại chủ trương của Nông thôn mới “cải tạo, giữ nguyên trạng ao hồ sinh thái tại địa phương, khu vực nông thôn”.
Bao thế hệ, người dân Phi Liệt vẫn coi ao làng là một phần tuổi thơ của mình. Ảnh: Hồng Lĩnh
Trên thực tế, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực nạo vét ao hồ, cải tạo, đào mới các ao hồ tại địa phương, khu dân cư để làm tốt công tác thủy lợi, tiêu úng, thoát nước, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng cuộc sống xanh, khí hậu trong lành… Tuy nhiên ở đây, UBND xã Liên Nghĩa có vẻ đang làm ngược lại tất cả.
Đối với người dân Phi Liệt, cái ao là một phần không thể thiếu của làng, có lịch sử lâu đời, được người dân trong làng thay nhau bao thế hệ bảo vệ, gìn giữ, được người dân coi là nơi Văn hóa tâm linh của thôn. Đối với vùng quê, yếu tố Văn hóa tâm linh rất quan trọng, là phần linh thiêng mà người dân vẫn thường bảo ban nhau là “bất khả xuân phạm”.
Cả thôn đang bình yên, người dân thôn Phi Liệt chỉ muốn được cuộc sống thanh bình vốn có của một vùng quê yên ả, có hàng cây xanh rợp bóng bên bờ ao, những chiều rôm rả gốc cây sau giờ làm đồng cực nhọc. Thế nhưng, những mong ước tưởng từng nhỏ nhoi và bình dị đó lại có thể bị “tước mất” bởi sự “vì dân” của UBND xã Liên Nghĩa.
Một dự án ảnh hưởng đến môi trường sống, có yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế tại địa phương, là cảnh quan gắn liền với bao thế hệ con người của một vùng đất, thế nhưng khi UBND thông báo trên loa truyền thanh thì người dân mới ngã ngửa, chưa hề có bất kỳ một cuộc họp dân công khai lấy ý kiến, để dân có quyền bàn bạc một vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của chính những con người trong thôn, người dân ở Phi Liệt tất thể đều có chung một cảm nhận: “Dường như xã đang cố tình đưa người dân vào thế buộc phải chấp nhận, chuyện đã rồi”.
Nhiều người dân cũng lắc đầu ngao ngán với cách làm việc chủ quan của xã, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng: “Quỹ đất (đất công) trên địa bàn xã rất nhiều, vậy tại sao lại phải san lấp một cái ao cổ của làng”. Cũng có người trầm tư thắc mắc: “Không biết xã có tính đến chuyện hậu quả mà người dân phải gánh chịu nếu như lấp ao hay không”.
Có những bậc cao niên trong làng lại có phần bức xúc: “Xã làm gì thì làm cũng phải thông qua dân, xã quá coi thường những người dân chúng tôi, khi không cho chúng tôi có quyền bàn bạc hay góp ý vào việc chung, đây lại là việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi, vậy tại sao chúng tôi không hề được biết”.
Nỗi lòng người dân thì đã rõ, nhưng dường như khi tiến hành dự án, UBND xã Liên Nghĩa đã quên đi điều đó, nên sự việc mới vấp phải sự phản đối lên đến sự đỉnh điểm của dân. Mong rằng chính quyền tới đây sẽ có những hành động nhanh và hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân hơn nữa. Ngoài ra, những việc làm đó cần thiết phải “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đó cũng chính là dân chủ và thực hành dân chủ. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hồng Lĩnh - Kiều Viến - Lê Đại