THCL Vào mùa xuân, ngư dân xã Đức Hợp, huyện Kim Động lại bận rộn thả lưới để đánh bắt cá mòi. Loài cá này sinh sôi nảy nở trên sông Hồng và trở thành lợi thế cho phát triển nghề chài lưới cho người dân nơi đây.
Bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch, các thuyền tập trung cao độ cho mùa cá mòi, cho đến hết tháng 3, tháng 4. Từ những tháng trước Tết Nguyên đán, các hộ làm nghề chài lưới ở Đông Khu đã rậm rịch chuẩn bị cho mùa cá mòi mới. Bởi đánh bắt cá mòi cần có lưới riêng nên khâu mua sắm, đan, thắt lưới cũng khá kỳ công.
Các hộ dân cho hay, vào mùa họ phải tự tay đi chọn lưới, thuê thợ làm loại lưới đặc dụng riêng, gọi là “đâu lưới”. Lưới rộng tới 7-8m, nhiều cái rộng trên 10m, dài hàng trăm mét, bảo đảm lưới giăng từ mặt nước cho tới sát đáy sông. Mắt lưới nhỏ, sợi mảnh phù hợp với kích cỡ của con cá mòi.
Xã Đức Hợp có 3 thôn làm nghề chài lưới là Đông Khu, Phú Mỹ và Thái Hòa với hơn 50 thuyền đánh cá. Trong đó, một nửa số hộ dân thôn Đông Khu làm nghề đánh bắt cá với hơn 30 thuyền. Một số hộ đánh bắt hàng chục năm nay với số lượng lớn là ông Trần Văn Quyền, Bùi Văn Thoát, Nguyễn Văn Điện.
Hiện tại, người dân trong xã đang bước vào vụ cá mòi mới, tuy những mẻ lưới đầu tiên bắt được không nhiều nhưng được bán với giá rất cao từ 35 – 45 nghìn đồng/kg. Vào chính vụ, những ngày cao điểm mỗi thuyền cũng bắt được hàng tạ cá, trung bình thu được vài trăm nghìn đồng/ngày.
Cá mòi có đặc điểm là sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay chứ không giữ lâu được như các loại cá khác. Vì vậy, cứ mỗi buổi chiều, người dân lại họp chợ cá ven sông để bán lẻ và bán buôn đi các nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Những năm gần đây, người dân xã Đức Hợp đánh bắt được từ 90 – 100 tấn cá/năm – thu được gần 1 tỷ đồng từ nguồn lợi thủy sản.
Lê Vân