THCL Những ngày gần đây, người dân thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đứng ngồi không yên, về việc UBND xã Liên Nghĩa đang sốt sắng chuẩn bị dự án san lấp ao làng thôn Phi Liệt, để phân lô, bán nền lấy kinh phí xây dựng Nông thôn mới.
Ao làng trong lành đang có nguy cơ bị xóa sổ. Ảnh: Hồng Lĩnh
Người dân hoang mang sợ mất ao
Theo tìm hiểu của PV, ao làng thôn Phi Liệt là một trong những ao cổ, đã có lịch sử lâu đời tại thôn Phi Liệt, rộng chừng 3 mẫu, qua bao thăng trầm của lịch sử, ao làng đã gắn liền và chứng kiến sự phát triển của rất nhiều thế hệ con người và vùng đất nơi đây.
Ao làng thôn Phi Liệt, được người dân nơi đây gọi là “đầu rồng” của làng. Theo các cụ cao niên trong làng, thì ao không chỉ là cảnh quan sinh thái, là hồ điều hòa không khí của làng, giúp cho người dân có một môi trường sinh thái trong lành, mát mẻ, mà nó còn mang trong mình một sứ mệnh quan trọng, là nơi điều tiết nguồn nước, chống ngập, tiêu úng mỗi khi mùa mưa lũ.
Người dân thôn Phi Liệt cho biết: “Thôn chúng tôi như một chiếc lòng chảo, mỗi khi mùa mưa lũ đến, hay chỉ cần một cơn mưa đột xuất là cả thôn đã bì bõm, cũng nhờ cái ao nằm giữa lòng chảo đó mà nó trữ được bao nhiêu nước, không thì dân chúng tôi bị nhấn chìm”.
Nay UBND xã Liên Nghĩa chủ trương san lấp ao của thôn, người dân Phi Liệt rất lo lắng và tiếc nuối, liệu khi san lấp ao rồi, cảnh quan, môi trường sinh thái sẽ ra sao, mùa mưa lũ về sẽ khổ như thế nào nếu như không có bất kỳ một điểm để trữ và điều tiết nước, môi trường sống, cảnh quan cảnh quan tất cả đều đảo lộn.
Ông N.V.T một người dân thôn Phi Liệt chia sẻ: “Tiếc, tiếc lắm, cái ao là cả tuổi thơ của chúng tôi, biết bao thế hệ người dân trên mảnh đất này đều gắn với cái ao làng này, thời trẻ con thì ra ao tắm mát, về tuổi già thì ra bờ ao câu cá thư giãn, nay mà xã lấp ao đi thì quả thật rất tiếc nuối, lấp ao đi rồi là mãi mãi không còn nữa, chôn vùi bao ký ức tâm hồn của môi một người dân chúng tôi, tiếc lắm các anh ạ”.
Cụ N.A.K một người cao niên trong làng tâm tư: “Từ ngày biết xã chủ trương lấp ao đi để phân lô, chia nền bán, tôi cứ bần thần mãi, chiều chiều tôi lại ra bờ ao ngắm nghía, tôi ngắm là bởi sợ nay mai, mãi mãi không còn nó nữa, tôi còn nhớ hơn chục năm trước, làng tôi ngập lắm, từ đầu làng đến cuối thôn, đâu đâu cũng bì bõm, nước rút dần về phía ao, cái ao như một cái bụng khổng lồ chứa nước giúp người dân thoát cảnh “ngồi nóc nhà đun cơm”, thực sự mất cái ao rồi thì dân khổ lắm, cái khổ trước mắt về lâu về dài thì đã rõ, nhưng liệu UBDN xã có hiểu nỗi khổ của dân chúng tôi không.
Trên thực tế, quỹ đất công ích để thực hiện bán đấu giá, hay làm công tác cấp đất giãn dân cho dân trên địa bàn xã Liên Nghĩa không phải thiếu, người dân trên địa bàn thôn Phi Liệt vẫn luôn khắc khoải một câu hỏi đau đáu: “Ý Đảng phải hợp với lòng Dân”, vậy tại sao chủ trương lấp ao Thôn Phi Liệt không hề được sự chấp thuận của người dân trên địa bàn mà chính quyền xã vẫn quyết làm cho bằng được?. Mặc dù các cuộc họp dân, đưa ra vẫn đề để vẫn động dân ủng hộ dự án, 100% dân chúng phản đối, nhưng xã vẫn quyết san lấp trong nay mai.
Tất cả dân thôn Phi Liệt đã gửi rất nhiều đơn thư kiến nghị tới các cấp ban ngành từ tỉnh, huyện và các cơ quan ban ngành liên quan nhưng đều không nhận được câu trả lời. Chính quyền thì im lặng và hành động theo ý của mình, lòng dân thì nôn nao, lo lắng như lửa đốt vì sợ mất ao.
Những lý do không thuyết phục từ phía chính quyền
Người dân thôn Phi Liệt có phần ngao ngán với những lý do mà xã đưa ra việc lấp ao hồ. Theo người dân cho biết, xã lấy lý do san lấp ao để lấy quỹ đất giãn dân và tạo nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới, trong khi xã đã đạt Nông thôn mới?. Lấy kinh phí xây dựng trường mầm non xã, người dân bức xúc khi hàng năm con em đi học vẫn đóng tất cả các khoản lệ phí xây dựng lớn bé, từ cái phí xây dựng bồn hoa cũng đóng đầy đủ, vậy số tiền đó đi đâu, tại sao không lấy nguồn thu đó để xây dựng?.
Người dân Phi Liệt bàn tán xôn xao, tìm phương án cứu ao làng trong tuyệt vọng. Ảnh: Hồng Lĩnh
Một dự án gặp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân trên địa bàn, bởi nó tác động trực tiếp đến môi trường, sức khỏe, sự phát triển kinh tế địa phương và hơn hết là sự sống và tồn tại của người dân, vậy tại sao xã vẫn quyết làm?. Trong chương trình mục tiêu Nông thôn mới quy định, phải giữ nguyên trạng ao hồ sinh thái môi trường trên địa bàn, để làm tốt công tác chống ngập, tiêu úng và tạo nguồn nước cho thủy lợi nuôi trồng thủy sản, vậy tại sao địa phương lại san lấp?.
Có rất nhiều câu hỏi mà người dân Phi Liệt băn khoăn và không có bất kỳ một sự trả lời thích đáng từ chính quyền xã Liên Nghĩa?. Trên thực tế đã có rất nhiều hệ lụy từ những việc san lấp ao hồ xảy ra trên địa bàn cả nước, những hậu quả đó nếu khắc phục cũng tốn rất nhiều thời gian, kinh phí.
Trong xây dựng mô hình Nông thôn mới, để cải tạo môi trường sống, tầm quan trọng của ao hồ đóng vai trò thiết yếu, cảnh quan các ao hồ trong làng tạo điều kiện để kết nối mặt nước, tránh tình trạng ao tù và góp phần tạo môi trường không khí, điều hòa nhiệt độ mùa hè… phù hợp với điều kiện nóng ẩm vùng ĐBSH. Là giải pháp hợp lý cho việc tưới tiêu, công tác thủy lợi bớt khó khăn do chủ động được nguồn nước sẵn có, tiêu úng, chống ngập…
Từ thực tế cho thấy, nhất thiết phải giữ nguyên trạng ao hồ, hình thành hệ thống ao hồ chung để chủ động trong việc điều tiết nước mưa, nước thải, bảo vệ môi trường, thay thế dần các ao hồ riêng trong hộ gia đình đang có xu hướng hẹp lại dần. Khẳng định ao hồ là một thành phần tất yếu tồn tại trong hệ sinh thái của nông thôn. Ao thôn Phi Liệt được người dân trồng cây ngả bóng ven ao, việc trồng cây ven ao hồ góp phần tạo cảnh quan chung cho thôn làng, làm hạn chế bớt những ấn tượng xấu về mật độ xây dựng nhà cao tầng chen chúc, bê tông hóa nông thôn, thiếu cây xanh trong rất nhiều các làng xóm hiện nay. Thực tế là vậy, thế nhưng ở đây chủ trương của chính quyền xã đang đi ngược lại điều đó.
Bà Đ.T.S người dân thôn Phi Liệt chia sẻ: “Trước kia, đời sống kinh tế còn khó khăn, chúng tôi cũng không bao giờ để ao ô nhiễm, hàng năm vẫn tổ chức từng đợt dọn vệ sinh ao, cải tạo nguồn nước, giữ cho ao làng luôn sạch đẹp, nhằm giáo dục truyền thống quê hương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ, dân làng chúng tôi dự định sắp tới sẽ góp kinh phí nào vét lòng ao, kè bờ, cải tạo nguồn nước để thả hoa sen, hoa súng, trồng cây, đặt ít ghế đã để dân ra ngồi hóng mát sau những buổi làm đồng về, dân chúng tôi sẽ tự đóng góp kinh phí và tự làm, dân sẽ không nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, vậy mà giờ chỉ là trong ý định”.
Người dân vẫn tụm năm, tụm bảy quanh ao và tâm sự: “Bằng mọi giá phải giữ cái ao, không thể để lấp được”, có lẽ chỉ có người dân là nhận thức được tầm quan trọng của ao làng và họ lường trước được những hậu quả có thể sảy ra nếu ao bị xóa sổ vĩnh viễn.
Hồng Lĩnh – Kiều Viến