Diễn biến những ngày này ở Trung Đông cho thấy, cán cân quyền lực đang thay đổi cơ bản và những giả định lâu nay về rủi ro địa chính trị bị gạt sang một bên. Điều tương tự cũng đang xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu khi mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ phụ thuộc vào quy mô và thời gian của cuộc xung đột.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh tư liệu THX/TTXVN.

Một phân tích của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thể hiện, những nền kinh tế ở Trung Đông và Trung Á sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cuộc giao tranh. Ngay cả một thập niên sau một cuộc xung đột lớn, thu nhập bình quân đầu người của khu vực này vẫn thấp hơn khoảng 10% so với thế giới, dù có thể tác động của giao tranh đã mờ dần sau 5 năm.

Giá dầu tăng vọt

Ông James David Spellman, người đứng đầu Strategic Communications LLC, một công ty tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ) bình luận trên tờ SCMP, sự gián đoạn trong sản xuất và cung ứng trong khu vực có thể gây nguy hiểm cho tăng trưởng toàn cầu vốn đã ảm đạm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể mức 2,6% trong năm nay và 2,7% vào năm 2025 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,1% trong thập niên trước đại dịch Covid-19.

Giá dầu đã tăng đột ngột khoảng 8% sau loạt tấn công bằng tên lửa của Iran vào lãnh thổ Israel hôm 1/10 và sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ đang thảo luận về khả năng xảy ra các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở dầu mỏ của Tehran.

Vịnh Ba Tư cho đến nay vẫn là khu vực sản xuất năng lượng quan trọng nhất thế giới. Bảy quốc gia trong khu vực - Bahrain, Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - đã sản xuất khoảng 1/3 lượng dầu thô của thế giới trong năm 2022 và nắm giữ khoảng một nửa trữ lượng dầu thô của thế giới. Năm 2018, hơn 1/5 lượng dầu vận chuyển trên thế giới đi qua Eo biển Hormuz giữa Iran và Oman.

Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ cho thấy sự dễ bị tổn thương của các tuyến đường vận chuyển trong khu vực nếu xung đột lan sang nhiều quốc gia hơn.

Những chuyến hàng dầu là nguồn thu nhập quan trọng của Iran và nước này có thể không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ với các khách hàng quan trọng.

Tuy nhiên, trong khi mức độ trả đũa của Tehran đối với Israel có thể cho thấy quốc gia Hồi giáo này dù không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện, các cuộc giao tranh có thể gây cản trở giao thông qua Eo biển Hormuz và các tuyến đường quan trọng khác.

Một loạt vấn đề phát sinh khiến việc giao nhận hàng hóa chậm và tốn kém hơn dẫn đến sự gián đoạn làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Nhu cầu dầu mỏ trên thế giới dự kiến tăng chậm lại trong những năm tới khi sản lượng tiếp tục tăng. Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở Châu Á và một số ngành công nghiệp nhất định sẽ cần nhiều dầu hơn, dù vậy, điều này có thể được bù đắp bằng việc doanh số bán ô tô điện gia tăng, tiến bộ trong hiệu quả sử dụng nhiên liệu và xu hướng chuyển dần sang năng lượng tái tạo.

Là một thành viên OPEC, Iran tham chiến sẽ tác động mạnh tới giá dầu thế giới (Ảnh: CFR)
Là một thành viên OPEC, Iran tham chiến sẽ tác động mạnh tới giá dầu thế giới. Ảnh CFR.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng, Mỹ hiện đang sở hữu lượng dầu thô tồn kho cao trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có đủ năng lực dự phòng để làm dịu tác động của sự gián đoạn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Dù vậy, những xu hướng này sẽ bị đảo lộn nếu xung đột tiếp tục kéo dài dai dẳng ở khu vực Trung Đông. Giá dầu sẽ vô cùng biến động, giống như diễn biến của một vài giao dịch gần đây.

"Những nền kinh tế chuyên nhập khẩu năng lượng ròng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu từ Trung Đông như các quốc gia ở khu vực Châu Âu và Châu Á-Thái Bình Dương", ông Ken Wattret, Phó Chủ tịch Kinh tế toàn cầu của S&P đề cập trong báo cáo Global Market Intelligence mới đây.

Tình hình địa chính trị biến động sẽ làm các nhà đầu tư lo lắng, làm suy yếu lòng tin của người tiêu dùng và khiến các doanh nghiệp chậm lại kế hoạch mở rộng, gây ra đợt bán tháo cổ phiếu và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

Một mối quan ngại khác là các mỏ khí đốt ngoài khơi của Israel cũng là những mục tiêu dễ bị tổn thương. Những cuộc tấn công vào các mỏ khí đốt này sẽ đe dọa đến an ninh năng lượng của Ai Cập, Jordan và Châu Âu, khiến tình trạng thêm trầm trọng, nhất là sau khi Israel tạm thời đóng cửa mỏ khí đốt Tamar vào tháng 10 năm ngoái. Và sự gián đoạn kéo dài của khí đốt tự nhiên sẽ bóp nghẹt thị trường toàn cầu khi nhiệt độ lạnh hơn đến Bắc Bán cầu

Chưa thể đo đếm tác động

Lạm phát cũng sẽ là thách thức đáng lo ngại khi giá dầu vốn là một thành phần chính của giá thực phẩm. Vào thời điểm thế giới đang dần kiểm soát được lạm phát, giá dầu tăng liên tục có thể gây ra một đợt bùng phát lạm phát mới và có khả năng ảnh hưởng đến lãi suất.

Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13-4-2024. Ảnh: TTXVN
Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4/2024. Ảnh TTXVN.

Các nhà giao dịch và công ty năng lượng cũng bắt đầu có động thái.

“Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu nghĩ đến việc phòng ngừa rủi ro”, Michael Brown, một chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Công ty môi giới Pepperstone của Australia cho biết, đồng thời chỉ ra các chỉ số đo lường mức độ các nhà đầu tư mua quyền chọn để hạn chế tổn thất.

Stephen Schork, một nhà giao dịch chuyên tư vấn cho các công ty phân bón hoặc khí đốt tự nhiên, về các chiến lược phòng ngừa rủi ro, cho biết “cần phải hành động ngay bây giờ” để bảo vệ trước sự gia tăng giá cả.

Các công ty đang theo dõi xem cuộc xung đột này ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ như thế nào, kết quả của cuộc bầu cử này có thể gây ra hậu quả to lớn đối với quan hệ thương mại, thuế và quy định. Giá dầu tăng đột biến hay cảm giác bất ổn toàn cầu gia tăng đều không giúp ích cho chiến dịch của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Thị trường chứng khoán dường như có xu hướng phớt lờ rủi ro địa chính trị. Bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine hay giao tranh ở Gaza, cổ phiếu vẫn đạt mức cao kỷ lục.

Bà Quincy Krosby, chiến lược gia toàn cầu của LPL Financial, cho biết triết lý trên sàn giao dịch được nhiều công ty hưởng ứng luôn là: "Vấn đề không quan trọng cho đến khi nó trở nên quan trọng. Câu hỏi đặt ra là vấn đề đó sẽ đi xa đến đâu?"

Ngược lại, các ngân hàng Trung ương không thể bỏ qua các sự kiện địa chính trị. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết, ngân hàng này có thể hành động mạnh mẽ hơn để cắt giảm lãi suất nếu áp lực lạm phát tiếp tục suy yếu. Điều này cho thấy các ngân hàng Trung ương hiện không coi xung đột Trung Đông là mối đe dọa lớn đối với các nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Ông Bailey tiết lộ, có vẻ đã có những cam kết giữa các bên để giữ cho thị trường dầu ổn định nhưng cũng không loại trừ khả năng xung đột có thể đẩy giá dầu lên cao nếu mọi thứ tiếp tục leo thang.

Phó Thống đốc Riksbank Thụy Điển Per Jansson đã đưa ra một thông điệp tương tự: Tác động của cuộc xung đột Trung Đông vẫn chưa đủ để có thể cắt giảm dự báo kinh tế.

Trong khi đó, IMF ngày 3/10 cho rằng, sự leo thang xung đột ở Trung Đông có thể gây ra hậu quả kinh tế đáng kể cho khu vực và nền kinh tế toàn cầu, nhưng giá hàng hóa vẫn thấp hơn mức cao nhất của năm qua. Người phát ngôn của IMF Julie Kozack nhận định, vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo SCMP/New York Times