Ông Mao Zhenhua, đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Đại học Renmin khuyến nghị Trung Quốc nên xem xét phát hành ít nhất 10 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính phủ dài hạn để tăng mức tiêu thụ và giúp chính quyền địa phương trả nợ cho khu vực tư nhân.
Nhận định của chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc đưa ra khi các nhà phân tích dự báo Bắc Kinh sẽ sớm tung ra gói kích thích tài khóa sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, lãi suất điều hành, cho vay được điều chỉnh. Lãi vay mua nhà, tỷ lệ chi trả tối thiểu khoản vay mua nhà thứ hai đều giảm. Ngoài ra, PBOC cho phép các công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư tiếp cận nguồn vốn để mua cổ phiếu, trái phiếu.
Ông Mao Zhenhua cho rằng, Trung Quốc nên xem xét phát hành các trái phiếu chính phủ dài hạn bổ sung với quy mô đáng kể - một động thái nâng tỷ lệ thâm hụt tài chính chính thức lên 3% tổng sản phẩm quốc nội trong năm nay.
"Chúng ta nên xem xét ít nhất 10 nghìn tỷ NDT, như vậy mới đủ hiệu quả để nâng cao nền kinh tế và duy trì môi trường tích cực sau khi PBOC thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ", ông đề xuất.
Ông Mao cho rằng số tiền thu được từ trái phiếu chính phủ dài hạn có thể được chuyển sang trợ cấp cho chi tiêu hộ gia đình dưới dạng chứng từ tiêu dùng hoặc giúp trả bớt nợ khu vực tư nhân để cải thiện hồ sơ tín dụng của chính quyền địa phương. "Ngoài ra, giảm thuế cho doanh nghiệp cũng nên được xem xét", ông Mao nói thêm.
Hiện tại, thị trường chứng khoán đang hoạt động tốt nhưng theo chuyên gia kinh tế này, để mang lại lợi ích cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, những thay đổi chính sách tài khóa cần phải hiệu quả hơn rất nhiều.
Trong khi nhiều học giả và cố vấn chính sách của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần mở rộng chính sách tài chính để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm 2024, cũng có ý kiến đề xuất các khoản tiền bổ sung từ trái phiếu chính phủ nên được chuyển sang hỗ trợ người tiêu dùng hoặc cơ sở hạ tầng dự án.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế hôm 28/9, cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yu Yongding cho biết, cơ sở hạ tầng vẫn là một lựa chọn khả thi để tăng trưởng kinh tế ổn định, do đầu tư giảm vào tài sản.
Ông Jia Kang, nguyên Viện trưởng một viện nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, nói rằng, nhà chức trách có thể cải thiện niềm tin bằng cách tăng mạnh đầu tư công vào các dự án công. Nhận định này do ông Jia đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn được tờ báo The Paper của Trung Quốc đăng tải ngày 2/10.
“Khi được triển khai, các dự án sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và khơi mở tiềm năng tiêu dùng”, ông Jia, người hiện đứng đầu tổ chức nghiên cứu tư nhân có tên Viện Kinh tế học cung cầu mới của Trung Quốc, phát biểu.
Không đưa ra khung thời gian cụ thể, ông nhận định, “tăng cường phát hành trái phiếu tới 4 nghìn tỷ hoặc thậm chí 10 nghìn tỷ NDT không có gì là quá mức”.
Việc phát hành trái phiếu mà ông Jia đề xuất lớn gấp nhiều lần số trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn dài trị giá 1 nghìn tỷ NDT mà chính phủ Trung Quốc dự định phát hành trong năm nay. Tuy nhiên, vị chuyên gia nói, đó sẽ là mức tăng tương xứng với gói kích cầu 4 nghìn tỷ NDT năm 2008, do GDP danh nghĩa của Trung Quốc đến năm 2023 đã tăng gấp 4 lần.
“Sử dụng cơ chế nợ công hợp lý sẽ không gây quá tải cho chính phủ. Trái phiếu chính phủ dài hạn và siêu dài hạn, có kỳ hạn từ 30 đến 50 năm, mang lại sự linh hoạt đáng kể và đáng để sử dụng, vẫn nằm trong giới hạn an toàn”, ông Xia nhận định.
Tuần trước, Reuters đưa tin Bộ Tài chính Trung Quốc đang có kế hoạch phát hành 2 nghìn tỷ NDT trái phiếu chính phủ đặc biệt trong năm nay. Hãng tin này dẫn nguồn thạo tin cho biết, số tiền huy động được sẽ phân bổ đều cho hai mục tiêu kích thích tiêu dùng và hỗ trợ chính quyền các địa phương giải quyết nợ nần.
Theo Reuters/SCMP/The Paper