Cuối tháng Sáu, ban lãnh đạo IMF đã hoàn thành đợt đánh giá lần thứ tư về chương trình hỗ trợ tài chính cho Ukraine và phê duyệt phân bổ đợt hỗ trợ mới cho nước này với số tiền 2,2 tỷ USD.
Khoản tiền Ukraine nợ IMF đứng ở mức 11,6 tỷ USD tính đến ngày 28/6, trở thành nước vay lớn thứ ba của quỹ này. Tuy nhiên, sau đợt vay mới, khoản nợ của nước này đã tăng lên 13,8 tỷ USD, khiến Ukraine trở thành con nợ lớn thứ hai và Ai Cập tụt xuống vị trí thứ ba với khoản nợ 13,6 tỷ USD.
Con nợ lớn nhất của IMF nhiều năm nay là Argentina, nước năm 2018 đã nhận được hạn mức tín dụng lớn nhất trong lịch sử của IMF với số tiền 57 tỷ USD. Ba con nợ lớn nhất hiện chiếm 46% tổng dư nợ của IMF.
Theo phân tích của Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chu kỳ kinh doanh (IMK) có quan hệ gần gũi với các công đoàn, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức khá ổn định xét theo chi phí tiền lương.
Theo nghiên cứu, chi phí lao động mỗi giờ làm việc trong khu vực tư nhân ở Đức tăng trung bình hằng năm là 5% vào năm 2023. IMK đánh giá, đây là con số tương đối cao so với nhiều năm, nhưng thấp hơn đáng kể mức 6,5% của năm 2022.
Kết quả khảo sát được công bố ngày 9/7, chi tiêu tiêu dùng tại Anh đã giảm trong tháng 6/2024 do thời tiết xấu. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy đà tăng trưởng kinh tế chậm chạp của nước này. Ngân hàng Barclays thông tin, chi tiêu trên thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của ngân hàng này đã giảm 0,6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021.
Tương tự, Hội đồng Bán lẻ Anh (BRC) cũng cho rằng, thời tiết lạnh giá là nguyên nhân khiến doanh số bán hàng giảm 0,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,7% vào tháng Năm.
Những số liệu này phù hợp với các dấu hiệu khác cho thấy kinh tế Anh đang tăng trưởng chậm lại, sau khi phục hồi trong quý đầu tiên từ đợt suy thoái vào nửa cuối năm 2023.
Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 10/7 dẫn báo cáo hằng tháng vừa công bố của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ này đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 2,9%, từ mức dự báo 2,8% được đưa ra trước đó.
Báo cáo tháng 7/2024 của OPEC lưu ý rằng, đà tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn vẫn ổn định trong nửa đầu năm 2024 và xu hướng này có thể tiếp tục trong những tháng tới.
Mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới của OPEC cao hơn so với dự báo gần đây của Ngân hàng thế giới (WB). Hồi tháng 6/2024, WB dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ổn định ở mức 2,6% năm 2024.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, OPEC nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 2,9% vào năm 2025, không thay đổi so với dự báo được đưa ra vào tháng trước.
Tổ chức này cho biết thêm, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng lần lượt 2,25 triệu thùng/ngày và 1,85 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và năm 2025, không thay đổi so với dự báo trong báo cáo tháng trước.
Báo cáo của OPEC đánh giá các thị trường bao gồm Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ và Mỹ Latinh sẽ là lực đẩy cho tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới.
Theo Reuters/Arab News