Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA đều đạt thấp.
Theo Bộ KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện, nhiều dự án trái phiếu chính phủ vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân.
Bộ KH&ĐT kiến nghị không bố trí vốn cho các dự án giải ngân vốn đầu tư công dưới 50%
Đặc biệt, các dự án trái phiếu chính phủ quy mô lớn như Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn trái phiếu chính phủ của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Về nguyên nhân, theo Bộ KH&ĐT, vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công là một trong những nguyên nhân khách quan. Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan khác là việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế...
Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp còn chưa nhanh, chưa kịp thời, thậm chí có những Tờ trình giao kế hoạch của Bộ KH&ĐT phải qua nhiều vòng lấy ý kiến, mất vài tháng mới ban hành được Quyết định giao kế hoạch…
Trên cơ sở những nguyên nhân trên, Bộ KH&ĐT đề xuất 4 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất là nhóm giải pháp về thể chế. Cơ quan này đề xuất trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm 2020 theo hướng đổi mới, phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019.
Thứ hai là nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp.
Bộ KH&ĐT kiến nghị xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019, trong đó, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn...
Thứ ba là nhóm giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.
Đáng chú ý, ở nhóm giải pháp về chế tài, Bộ KH&ĐT kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.
PV