Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) và Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 tại UBQLV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Ảnh internet.
Kiểm toán chuyên đề tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh internet.

Tham dự Hội nghị, về phía UBQLV có đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng và SCIC. Về phía KTNN có ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI; ông Nguyễn Tấn Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp; ông Nguyễn Đình Sơn, Trưởng đoàn Kiểm toán…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết: Thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, KTNN phối hợp với UBQLV và SCIC triển khai chương trình kiểm toán chuyên đề.

Theo đó, mục tiêu kiểm toán nhằm nắm bắt toàn bộ hoạt động của Ủy ban với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình kiểm toán cũng giúp Quốc hội và các cơ quan liên quan rà soát các nội dung và hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cũng phổ biến một số nội dung quan trọng trong quy chế, quy tắc và phạm vi, nội dung kiểm toán trong quá trình triển khai kiểm toán Chuyên đề.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại Hội nghị
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy cho biết, Ủy ban được thành lập đầu năm 2018 nhằm thực hiện chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp. Qua đó tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đối với một số bộ, tạo điều kiện quan trọng cho các Bộ tập trung thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và việc ban hành cơ chế, chính sách pháp luật; thực hiện quản lý Nhà nước bình đẳng, công bằng đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Ông Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh, đây là một mô hình mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Trên thế giới, tại một số quốc gia, có những mô hình mang nhiều nét tương đồng như Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa (SASAC) hay Temasek Holdings - một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore.

Khi UBQLV đi vào hoạt động thì một số Luật, nghị định, quy định chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Vì vậy, thực tiễn hoạt động của Ủy ban còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

UBQLV cũng mong KTNN có những hướng dẫn để Ủy ban tiếp thu, điều chỉnh và hoàn thiện mô hình quản lý và cách thức quản trị, Phó Chủ tịch UBQLV Đỗ Hữu Huy bày tỏ.

Theo báo Kiểm toán