Sáng 08/06, tiếp tục trả lời chất vấn của các biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin về nhiều vấn đề như: việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế; việc quản lý thị trường chứng khoán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp; quản lý thu thuế trên thị trường thương mại điện tử…
Giảm thuế 88.000 tỷ đồng, nhiều hơn dự kiến trong Nghị quyết 43
Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) về tiến độ triển khai gói chính sách tài khóa theo Nghị quyết 43, Bộ trưởng cho biết chính sách tài khóa chiếm khoảng 291.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ này.
Trong đó, liên quan đến thu ngân sách, có việc thực hiện giãn, miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10 xuống 8%. Triển khai Nghị quyết 43, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP, theo đó giảm thuế GTGT khoảng 64.000 tỷ đồng. Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế trong xăng dầu, với tổng cộng giá trị giảm hơn 24.000 tỷ đồng. Như vậy, riêng giảm thuế đã đạt đến 88.000 tỷ đồng, nhiều hơn dự kiến trong Nghị quyết 43. Ngoài ra còn việc giãn thuế 135.000 tỷ đồng cho đến 31/12/2022.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn triển khai Nghị quyết 43 một cách nghiêm túc, hiệu quả như Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách trị giá 40.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp… Đến nay chỉ còn duy nhất một hướng dẫn chưa được ban hành là hướng dẫn sử dụng tiền trong Quỹ viễn thông công ích để ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đang được hoàn thiện, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Quan tâm đến vấn đề chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần "không quản được thì cấm".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định không có chủ trương nào về siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh huy động vốn hiệu quả cùng các ngân hàng thương mại huy động vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc huy động này phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng vốn sai mục đích.
Theo Bộ trưởng, hiện nay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 1,374 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP. Theo mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025 quy mô thị trường phải đạt 20% GDP, như vậy mức 15% hiện tại là trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô huy động của Việt Nam vẫn còn thấp và có dư địa phát triển.
Tăng thu hàng nghìn tỷ đồng từ các hoạt động thương mại điện tử
Một câu hỏi khác cũng được đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu là vấn đề chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Thừa nhận đây là vấn đề rất khó, các máy chủ đều đặt ở nước ngoài, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã chủ động đấu tranh trong lĩnh vực này.
Năm ngoái, mức thu từ thị trường này đã đạt được trên 5.000 tỷ đồng. Hiện nay chúng ta có khoảng trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, với 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 03 công ty đối tác. Hiện Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai, xây dựng cổng thanh toán quy định mức thu và thông báo, vận động, giải thích để cho các sàn thương mại điện tử cũng như các công ty công nghệ là phải đăng ký nộp thuế. Thời gian vừa qua Facebook đã nộp 1.965 tỷ đồng, Google nộp 1.902 tỷ đồng, Microsoft nộp 651 tỷ đồng…, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, vừa qua, Bộ Tài chính dự định ban hành thông tư, theo đó quy định sàn thương mại điện tử có thể được ủy quyền nộp thuế cho những người tham gia sàn, chịu trách nhiệm nộp thay cho người tham gia, tuy nhiên vấp phải sự phản ứng trong dư luận, do đó cũng rất khó khăn cho cơ quan quản lý. “Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm phương án tối ưu nhất để thực hiện được vấn đề thu trên sàn thương mại điện tử”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Đối với câu hỏi của đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng nêu rõ đang tích cực thực hiện tăng cường quản lý trong lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách thu hút FDI và các ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI để thu hút đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cũng phải liên tục đấu tranh để giải quyết vấn đề thuế, chuyển giá ở doanh nghiệp FDI.
Thời gian vừa qua, các cơ quan trong ngành Tài chính đã thực hiện việc truy thu thuế, thanh tra thuế đối với các công ty FDI và một số doanh nghiệp lớn đã chấp hành một cách rất đầy đủ. Theo Bộ trưởng, tới đây khi áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu tăng lên 15% thì những sắc thuế mà chúng ta ưu đãi cho FDI đương nhiên là phải nâng lên, do đó số thuế từ khu vực này sẽ tăng lên trong tương lai.
Tiếp tục quan tâm đến vấn đề thuế với xe biếu tặng, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) nêu việc doanh nghiệp nhập khẩu xe cứu thương để hỗ trợ phòng chống dịch vừa qua không được miễn, giảm thuế và đề nghị nên có quy định miễn, giảm thuế cho các loại xe này như với các trang thiết bị phòng, chống dịch khác.
Tiếp thu ý kiến đề xuất, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải thích xe biếu, tặng theo quy định của pháp luật hiện hành là không được miễn, giảm thuế. Cơ quan thuế vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch thì phải sửa.
H.T (t/h)