THCL - Việc “gắp lửa bỏ tay người” không những khiến người dân Montenegro tẩy chay Nga, mà còn tạo cớ để quét sạch lợi ích Nga khỏi các thành viên NATO.
The Guardian ngày 6/11 đưa tin, Công tố viên đặc biệt của Cộng hoà Montenegro Milivoje Katnic đã cáo buộc những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc Nga đứng đằng sau âm mưu ám sát Thủ tướng Montenegro Milo Djukanović – một người thân phương Tây.
Theo ông Katnic những kẻ bị cáo buộc đã lên kế hoạch đột nhập vào Quốc hội Montenegro và ám sát thủ tướng Djukanović.
Ông Katnic khẳng định : "Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy nhà nước Nga tham gia vào sự việc này nhưng chúng tôi có chứng cứ cho thấy hai kẻ theo chủ nghĩa dân tộc từ Nga đã tổ chức việc ám sát".
Công tố viên trưởng Montenegro cho biết mục đích của những kẻ ám sát là thực hiện một cuộc đảo chính và dựng lên một chính quyền thân Nga tại Montenegro.
Thủ tướng Montenegro Milo Djukanović - người bị ám sát mà Kremlin được cho là tác giả kịch bản.
Theo giới bình luận, dù không chỉ mặt gọi tên Moscow nhưng những cáo buộc của Montenegro là chĩa vào Kremlin. Bởi lẽ Montenegro sẽ gia nhập NATO vào đầu năm 2017, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ Nga.
Trong khi đó đảng Dân chủ của ông Djukanovic giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10/2016 được cho là sẽ đưa Montenegro ngả theo phương Tây.
Trước cuộc bầu cử ông, Djukanovic từng lên tiếng cáo buộc một số nhóm đối lập nhận tài trợ từ Nga để ngăn cản chiến thắng của đảng Dân chủ. Điều đó muốn chứng minh rằng Nga là tác giả kịch bản ám sát chính trị tại Montenegro.
Đây là thực sự là một hành động nham hiểm đối với Kremlin và cá nhân Tổng thống Putin – một người được cho là theo chủ nghĩa dân tộc Nga.
Tạo hận thù giữa Nga với người dân Montenegro, đảm bảo cho việc nước này gia nhập NATO diễn ra một cách suôn sẻ
Ngày 19/5 vừa qua, tại Brussels, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký thoả thuận cho phép Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Montenegro Milo Djukanovic coi việc gia nhập NATO là điều rất quan trọng vì nó sẽ mang đến sự ổn định trong khu vực.
Cộng hoà Montenegro là một quốc gia nhỏ bé ở trung nam Âu, có diện tích khoảng hơn 15.000km2, dân số khoảng hơn 600.000 người và quân đội chỉ có khoảng 2.000 binh sĩ tại ngũ.
Như vậy, Montenegro sẽ là thành viên có lực lượng vũ trang nhỏ nhất của NATO. Việc kết nạp Montenegro vào NATO được ví chỉ là “thêm bát thêm đũa” mà thôi.
Tuy nhiên việc chọn Montenegro có thể “vô lợi” với NATO, nhưng không thể “bất hại” với Nga, vì vậy Moscow đã phản ứng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng NATO đang cố thay đổi bối cảnh chính trị tại châu Âu, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nga, buộc Nga phải đáp trả. Mối quan hệ hoà hữu Nga – Montenegro có thể sẽ thay đổi.
Quan chức NATO và Montenegro trong lễ ký kết ngày 19/5. Ảnh : Reuters
Đặc biệt, Moscow cho rằng việc Montenegro gia nhập NATO không theo ý nguyện của người dân Montenegro. Theo BBC cho biết nhiều người Montenegro không hài lòng với việc ông Djukanovic đưa đất nước gia nhập NATO.
Nguyên nhân là vì người dân Montenegro chưa thể quên được việc NATO ném bom Serbia và Montenegro năm 1999, giết hại dân thường.
Kremlin đã kêu gọi Montenegro tổ chức trưng cầu dân ý đề người dân thể hiện nguyện vọng của mình, song chính quyền Montenegro phớt lờ đề xuất của Nga.
Tuy nhiên qua động thái đó, Moscow đã tạo dấu ấn với những người dân Montenegro có nghi ngại với việc chính quyền ngả quá về phương Tây và điều đó khiến việc Montenegro gia nhập NATO gặp trở ngại.
Do vậy phải làm xấu hình ảnh của Nga trong mắt người dân Montenegro có thể được xem là yêu cầu quan trọng đối với những người quyết đưa nước cộng hoà nhỏ bé nằm trong Liên bang Nam Tư cũ theo hình trình “tây tiến”. Tố cáo ám sát chính trị là một trong những việc làm có thể thoả mãn yêu cầu đó, bởi ám sát chính trị là hành động luôn bị lên án.
Và khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra thì “có khoảng 500 người có ý định xâm nhập vào Montenegro trong đêm bầu cử để gây ra bạo lực cùng với đó là những kẻ ám sát chuyên nghiệp được thuê để giết thủ tướng Djukanovic như một phần của cuộc đảo chính, thực hiện kế hoạch ngăn Montenegro gia nhập NATO”, ông Milivoje Katnic nhận định.
Một kịch bản dường như quá hoàn hảo, các diễn viên nhập vai và thể hiện khá tốt ý đồ của tổng đạo diễn, khiến cho việc mở màn và hạ màn quá nhịp nhàng và ăn khớp.
Tuy nhiên, đối với một điệp viên KGB kỳ cựu như Putin thì việc lật tẩy chiêu trò đó không có gì khó, song qua đây cho thấy hành động “gắp lửa bỏ tay người” này quá nham hiểm.
Nó không những làm cho người dân Montenegro có thể tẩy chay Nga, mà nó còn tạo ra cái cớ để quét sạch lợi ích Nga khỏi quốc gia có vị thế chiến lược tại vùng biển Adriatic và là một đồng minh của Nga tại khu vực Balkan.
Ngăn chặn Nga có thể làm phân rã NATO
Hiện nay, NATO đang có hiện tượng rạn nứt và rệu rã. Liên minh quân sự hùng mạnh này đang cho thấy có nhiều lỗ hổng khiến cho kẻ thù của họ có thể leo cao, chui sâu làm phân rã từng phần, từ đó có thể làm tan rã cả hệ thống của tổ chức. Trong số các lỗ hổng của NATO thì nguy hại nhất là lỗ hổng mang tên Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau “sự kiện 17 giây” khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga, Ankara đã hiểu được thế nào là đồng minh chiến lược trong NATO.
Do vậy, Tổng thống Erdogan nhanh chóng làm hoà với Putin để đảm bảo quyền lực của mình. Quan hệ Moscow – Ankara thân thiện vượt thời gian là mối nguy với NATO và Erdogan bị xem là “cõng rắn cắn gà nhà”.
Vì vậy, không có gì khó hiểu khi cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra thì Putin là lãnh đạo nước ngoài liên hệ với Erdogan cả trong và sau khi đảo chính bị đập tan. Sự hằn học của Erdogan với các đồng minh trong NATO cho thấy lỗ hổng Thổ Nhĩ Kỳ đã quá lớn. Khi Ankara chỉ trích đồng minh bao che, thậm chí giật dây đảo chính thì lỗ hổng không dễ vá lại được nữa.
Quan hệ Putin - Erdogan thân thiện vượt thời gian là lời cảnh báo cho sự phân rã NATO. Ảnh : Sputnik
Để kéo Thổ Nhĩ Kỳ không quá ngả về phía Nga không gì hay hơn là cho Ankara thấy sự nguy hại từ Moscow, không gì hay hơn là có hành động cảnh báo cho Erdogan thấy sự nguy hại từ Putin.
Khi đó một sự nghi ngại từ Ankara với đối tác mới sẽ tạo ra sự ngăn cách vô hình giữa Moscow và Ankara, đảm bảo lỗ hổng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị khoét rộng thêm nữa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỷ đang bị ám ảnh bởi đảo chính vì ông may mắn thoát chết trong gang tấc, do vậy ghép Moscow với một vụ ám sát chính trị sẽ lời cảnh báo tốt nhất cho Erdogan trước người bạn mới Putin. Dường như đó là mục đích mà tổng đạo diễn muốn gửi gắm qua việc cảnh báo ngầm Kremlin liên quan đến ám sát chính trị tại Montenegro.
Hiện nay tại một số nước thành viên NATO, lực lượng chính trị được xem là thân Nga đang có những chiến thắng chính trị quan trọng và có thể nắm giữ quyền lực, như tại Bulgaria. Điều đó khiến cho NATO lo ngại Moscow sẽ tận dụng lợi thế để gây chia rẽ trong NATO.
Do vậy, việc cảnh báo nguy hại từ Kremlin với kiểu "theo thì sống, chống thì chết" qua việc ám sát chính trị, khiến cho việc đồng minh ngả về Nga luôn có rào cản. Đó thực sự là hành động rất thâm hiểm.
Sự thâm hiểm ở chỗ không cần chứng minh Moscow có nhúng tay vào sự việc, thậm chí như Montenegro còn lên tiếng khẳng định không có bằng chứng cho thấy Nga có liên quan đến vụ việc, song rõ ràng những lời cảnh báo đó luôn có giá trị - nó đều khiến đối tác hiện tại và cả đối tác tiềm năng của Moscow phải giật mình.
Có thể thấy rằng, nước Nga và Putin đang phải đối chọi với phương Tây trong một cuộc chiến khốc liệt, đối thủ của Moscow có thể tận dụng mọi phương tiện, công cụ để tấn công, phong toả nước Nga. Vì vậy, tài năng và bản lĩnh của Putin luôn bị thách thức, cho dù ông đã có nhiều nước cờ khiến đối thủ việt vị, ngỡ ngàng.
Ngọc Việt - Baodatviet