Sự kiện có sự tham gia của đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam; cùng các lãnh đạo Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Hội thảo năm 2024 là dịp để nhìn lại hoạt động của 11 KDTSQTG tại Việt Nam, nơi đang đóng góp vào mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ, đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An - một khu vực được UNESCO công nhận từ năm 2007, bao gồm các vùng lõi quan trọng như Vườn Quốc gia Pù Mát và hai Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt.
Trong năm qua, Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNESCO và UNDP để triển khai nhiều chương trình phục hồi rừng và bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang đối mặt với thách thức về suy thoái rừng do khai thác trái phép và biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền phải có sự đồng thuận với người dân và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.
Đại diện tỉnh Nghệ An khẳng định cam kết tiếp tục phát triển các dự án bảo tồn và phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi sự hợp tác từ các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế để mạng lưới KDTSQTG ngày càng vững mạnh.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch MAB Việt Nam cho biết: Ngay từ những ngày đầu tiên, với mục tiêu xây dựng cơ sở khoa học cho sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, các khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) của Việt Nam đã là một phép thử nhằm chứng minh sự hòa hợp đó. Đến nay, mạng lưới các KDTSQTG tại Việt Nam đã phát triển theo xu hướng toàn cầu, trong đó mỗi KDTSQTG trở thành một mô hình địa phương cho phát triển bền vững, trên cả quy mô quốc gia và quốc tế.
Chủ tịch MAB Việt Nam Nguyễn Hoàng Trí đề nghị tiếp tục triển khai các chương trình điều tra, đánh giá tổng thể về chất lượng môi trường và tài nguyên tại các KDTSQTG để từ đó đề xuất giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng bền vững. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tham gia tích cực vào các sự kiện của mạng lưới KDTSQ cấp khu vực và các mạng lưới chuyên đề, đồng thời thúc đẩy nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương sinh sống trong và quanh các KDTSQTG. Bên cạnh đó, ông đề cao ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ Ban quản lý, cán bộ Văn phòng KDTSQTG, cán bộ các vùng lõi, cũng như các cán bộ thuộc sở, ban, ngành địa phương, các chủ rừng và các đơn vị liên quan.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận về những định hướng phát triển bền vững và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và bảo tồn KDTSQTG. Chủ tịch MAB Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hoàng Trí, đề xuất tiếp tục các nghiên cứu đánh giá về tài nguyên và môi trường các KDTSQTG, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của Việt Nam vào mạng lưới quốc tế về bảo tồn sinh quyển.
Các kết quả và kiến nghị từ hội thảo sẽ đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững cho các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam, hướng đến mô hình hài hòa giữa con người và thiên nhiên, phù hợp với tiêu chí của UNESCO và các tổ chức quốc tế về bảo tồn.
Lê Đình