Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số đơn vị hiện vẫn còn nợ đọng phát sinh trước ngày 1/1/2015 và từ sau thời điểm đó. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các Ban quản lý dự án và chủ đầu tư rà soát kỹ lưỡng, xác định chính xác các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, các đơn vị cần chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chính phủ và các cơ quan thanh tra về việc báo cáo số liệu nợ đọng một cách đầy đủ, chính xác.
Đối với nợ phát sinh trước ngày 1/1/2015, tỉnh đã có kế hoạch bố trí vốn từ ngân sách tỉnh hoặc Trung ương trong các giai đoạn trung hạn 2016-2020 và 2021-2025, với phần nợ đọng còn lại do ngân sách cấp huyện, xã hoặc vốn huy động hợp pháp từ chủ đầu tư đảm nhận. Tuy nhiên, việc huy động vốn từ ngân sách huyện, xã đối với các dự án do các Sở, ngành làm chủ đầu tư gặp khó khăn, do thiếu cơ cấu ngân sách cấp huyện, xã.
Để giải quyết dứt điểm nợ đọng, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố và xã, phường tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách cấp huyện, xã và huy động nguồn vốn hợp pháp để thanh toán nợ đọng trong phạm vi ngân sách địa phương. Đồng thời, không cho phép khởi công dự án mới sử dụng ngân sách huyện, xã nếu chưa thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản.
Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tham mưu bố trí nguồn vốn thanh toán nợ đọng cho các dự án do các Sở, ngành làm chủ đầu tư. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các chủ đầu tư khác, cần tập trung huy động nguồn vốn hợp pháp để dứt điểm nợ đọng các dự án của đơn vị.
Đối với nợ phát sinh sau ngày 1/1/2015, theo Luật Đầu tư công, các chủ đầu tư cần tự chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán, và không được gây ra nợ đọng từ sau thời điểm này.
Về triển khai dự án chuyển tiếp, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tập trung bố trí đủ vốn ngân sách theo đúng cam kết và tiến độ. Các chủ đầu tư cần giải quyết triệt để khó khăn của từng dự án, tránh tình trạng kéo dài nguồn vốn đến giai đoạn 2026-2030, nhằm bảo đảm ổn định nguồn lực chung cho tỉnh.
Lê Quyết (t/h)