Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2024 của Hải Phòng ước đạt 185.559,8 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ, đạt 83,4% kế hoạch. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 154.280,7 tỷ đồng, tăng 14,05% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn nhà hàng ước đạt 21.877,1 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 254,0 tỷ đồng, tăng 10,43% so với cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 9.147,9 tỷ đồng, tăng 4,89% so với cùng kỳ.
Dự kiến năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Được biết, kế hoạch năm 2024 ước đạt 222.550 tỷ đồng. Những kết quả của hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố 9 tháng đầu năm 2024 đã góp phần giúp tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục ổn định và phát triển.
Cụ thể, cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP. Hải Phòng ổn định, không có biến động lớn, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường đáp ứng nhu cầu người dân. Hàng hóa dồi dào, mẫu mã đa dạng, phong phú với nhiều mức giá cả phù hợp nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn khác nhau, không gây tình trạng sốt giá, tăng đồng loạt. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sử dụng các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ trong nước, hàng hóa có tem nhãn mác, hạn sử dụng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, trong một số ngày sau cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, lượng rau màu theo vụ bị ảnh hưởng và suy giảm về sản lượng, năng suất tại các địa phương khu vực phía Bắc, giá các mặt hàng rau củ thời điểm bão số 3 ảnh hưởng tăng từ 15-20%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, tình hình thời tiết thuận lợi, khô ráo, nguồn cung rau, củ, quả khá dồi dào, giá các loại rau giảm và ổn định trở lại.
Giá thịt lợn hơi dao động 58.000 – 63.000 đồng/kg và đang có dấu hiệu chững lại do nguồn cung ổn định và nhu cầu thị trường chưa có biến động lớn.
Giá mặt hàng xăng dầu từ đầu năm 2024 đến ngày 24/10/2024 có sự điều chỉnh theo chu kỳ 1 tuần/ lần, theo đó, giá xăng có 20 lần tăng, 22 lần giảm. Còn giá dầu có 17 lần tăng, 25 lần giảm theo công bố về mức giá trần của liên Bộ Công Thương – Tài chính. So với cùng kỳ năm 2023, nguồn cung xăng dầu ổn định, không có hiện tượng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung tại các điểm kinh doanh xăng dầu, chiết khấu xăng dầu của các đại lý bán lẻ xăng dầu cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, 2023.
Về giá điện, từ ngày 11/10/2024, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã công bố điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh, tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn thành phố, Tại các siêu thị, chợ và các điểm mua bán lẻ trên địa bàn thành phố, việc mua sắm của người dân diễn ra bình thường, không có hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tích trữ hàng hóa với số lượng lớn.
Trong 09 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, các Sở, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có khả năng biến động tăng giá cao để chủ động có phương án hoặc đề xuất các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ trên địa bàn thành phố, hạn chế hình thức đầu cơ găm hàng với số lượng lớn gây biến động thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau bão số 3 (bão Yagi).
Sở chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tổ chức cung ứng lượng hàng hóa thiết yếu phù hợp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố và phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (tăng trung bình 10-12% so với cùng kỳ), có 11 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường và 07 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão; 01 chi nhánh ngân hàng đăng ký hỗ trợ với tổng nguồn vốn đăng ký hỗ trợ đạt 100 tỷ đồng và mức lãi suất ưu đãi thấp nhất là 8,5%/năm.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán như: Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH MTV CoopMart Hải Phòng, Công ty Cổ phần du lịch khách sạn Hải Đăng… Số chuyến hàng do doanh nghiệp trong và ngoài thành phố thực hiện thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tính từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/9/2024 là gần 300 chuyến hàng, từ nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp.
Sở Công Thương Hải Phòng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Cục Thống kê Hải Phòng rà soát nguồn cung các hàng hóa lương thực, thực phẩm trên địa bàn; tổng hợp danh sách các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có nguồn hàng ổn định và có khả năng tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối, phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về chương trình bình ổn và tình hình giá cả, cung - cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương thành phố đã tổ chức và chỉ đạo tổ chức các chương trình, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các chương trình kết nối cung cầu qua nền tảng số, thương mại điện tử.
Quỳnh Nga(t/h)