Tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Hoạt động trao đổi - mua bán hàng hóa với phương thức phân phối hiện đại ngày càng phát triển đã mang lại lợi ích rất to lớn. Hình thức mua hàng, đặt hàng “online”, giao dịch mua - bán trực tuyến trên không gian mạng trở nên phổ biến. Chỉ cần vào mạng xã hội thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính, NTD có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt những mặt hàng mình cần, thanh toán qua mạng và chờ nhận là xong.
Nhưng cách mua hàng này tiện dụng bao nhiêu thì mức độ rủi ro cũng tăng lên bấy nhiêu. Tình trạng NTD “mua điện thoại Iphone, nhận được cục gạch”; mua phải hàng giả, không bảo đảm chất lượng, không đúng cam kết; nhận được hàng “3 không” (không nhãn mác, không nơi sản xuất, không hạn sử dụng)… thường xuyên xảy ra, thậm chí nhiều trường hợp tiền mất mà không nhận được hàng.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở dĩ có tình trạng trên do đặc trưng của hình thức mua, bán qua mạng là hai bên không trực tiếp gặp nhau. Khách hàng chỉ có thể thấy hình ảnh sản phẩm và thông tin một chiều do bên bán cung cấp, tiềm ẩn rủi ro như: Đưa ra thông tin sai lệch, chất lượng và số lượng hàng hóa không như quảng cáo, giới thiệu; người bán không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm; chế độ bảo hành bất cập vì hàng phải chuyển đi, chuyển lại...
Mặt khác, NTD thường có thói quen không tìm hiểu, đọc kỹ thông tin sản phẩm, không quan tâm đến chính sách đổi trả, bảo hành, không lưu giữ hóa đơn khi mua hàng và tâm lý ngại va chạm, sợ phiền hà, rắc rối, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà không phản ánh, kiến nghị tới các cơ quan chức năng khi quyền lợi bị xâm phạm...
Trong khi đó, không phải bất cứ người bán hàng online nào cũng thực hiện đúng quy định về đăng ký kênh bán hàng và cung cấp sản phẩm hàng hóa được pháp luật bảo vệ. Các đối tượng thường “qua mặt” cơ quan chức năng, NTD bằng chiêu thức trữ hàng hoá vi phạm ở một nơi, kinh doanh ngay tại nhà ở, nơi trọ, bán hàng qua facebook, zalo, tiktok…
Nhiều trường hợp không có địa chỉ cụ thể, thường bán vào ngoài giờ hành chính và không thường xuyên, hoặc liên tục thay đổi và sử dụng nhiều tài khoản, có cả tài khoản ảo khiến công tác kiểm tra, xác minh của lực lượng chức năng khó khăn. Thậm chí các đối tượng thường sử dụng một địa chỉ không liên quan, hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hoá tại nhiều địa điểm, hoặc tổ chức quay trực tiếp giới thiệu, chào hàng tại nhiều nơi khác nhau.
Trước những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh thường xuyên chỉ đạo đấu tranh, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiều năm nay. Các ngành chức năng đã tập trung rà soát, kiểm tra, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết, đơn vị xây dựng các kế hoạch kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) hoặc ứng dụng công nghệ số để kinh doanh. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo theo từng mặt hàng, yêu cầu các Đội QLTT bám sát địa bàn, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong buôn bán, kinh doanh liên quan đến TMĐT.
Gần đây, qua nắm tình hình, các đội QLTT đã phối hợp kiểm tra, xử lý 3 vụ liên quan đến TMĐT, livetream bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả nhãn hiệu. Đó là trường hợp chủ hộ kinh doanh G.T.N.C ở xã Việt Lập (Tân Yên) sở hữu website giới thiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương, có chức năng đặt hàng trực tuyến cho phép người mua giao kết hợp đồng theo hướng dẫn mua hàng trên website nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, đã bị xử phạt 15 triệu đồng. Hay như bà N.T.T, ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế); bà N.T.L.T, ở xã Song Mai (TP Bắc Giang)… lợi dụng mạng xã hội để giới thiệu, livetream bán quần, áo không rõ nguồn gốc, nhập lậu, hàng giả nhãn hiệu của các thương hiệu lớn. Chỉ trong 9 tháng năm nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra khoảng 20 vụ vi phạm liên quan TMĐT, bán hàng trên mạng xã hội không bảo đảm chất lượng… với tổng giá trị hàng hóa hơn 1,35 tỷ đồng, số tiền phạt khoảng 500 triệu đồng.
Trách nhiệm từ nhiều phía, NTD có vai trò quan trọng
Nhằm hạn chế những vi phạm đối với quyền của NTD khi mua hàng online, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, các ngành chức năng như: Công an, QLTT, Công Thương… với trách nhiệm của mình đã và đang tích cực phối hợp trong hoạt động, thường xuyên có biện pháp phù hợp trong phòng ngừa, ngăn chặn. Mới đây, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD phối hợp Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo về vai trò của hệ thống chính trị trong bảo vệ quyền lợi NTD. Thực tế, những vi phạm trong TMĐT đều gắn chặt với thanh toán điện tử. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số… từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, đối tượng thực hiện hành vi phạm pháp; kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp sai phạm.
Theo bà Bùi Thu Hà, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh), cần phối hợp với các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát nhanh trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng.
Để ngăn chặn triệt để vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, gian lận thương mại trên TMĐT thì điều tiên quyết là cần thay đổi thói quen của NTD. Người dân chỉ nên mua hàng tại những trang website uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), tìm hiểu kỹ các điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… cũng như sản phẩm hàng hóa trước khi đặt mua; không ham hàng giá rẻ, tránh “sính hàng ngoại”, hàng nhái thương hiệu, nói “không” với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi quyền lợi bị ảnh hưởng, NTD có thể phản ánh, kiến nghị tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) qua các hình thức như tổng đài 1800.6838, website http:khieunai.bvntd.gov.vn và qua đường bưu điện, công văn trực tiếp. Tại Bắc Giang, NTD có thể phản ánh qua đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh: 0868508708, hoặc Cục QLTT tỉnh: 0981027389. “Mỗi người dân hãy là NTD thông thái, cần nâng cao nhận thức và biết cách tự bảo vệ quyền lợi của chính mình, không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để gian lận trong kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Phương khuyến cáo.
Bá Đoàn